Một số ý kiến đóng góp dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Đất Đai 2003

21/05/2008

Ý kiến của các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc sửa đổi Luật đất đai lần này cần phải cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp dễ dàng và bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, tạo ra các cơ chế chính sách để doanh nghiệp quản lý đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả

(VOV)_ Ngày 19/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Hiệp hội Nhà đất Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo luật sửa đổi bổ sung Luật đất đai 2003. Hội thảo này đã thu hút được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực đất đai.

Hiện nay khung giá nhà đất của chúng ta không theo giá thị trường nên tạo ra những kẽ hở gây mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Sương Đào, Trưởng nhóm các vấn đề Đất đai và Bất động sản, thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho biết: “Giá đất không công khai, không theo giá thị trường thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt thòi, do một vài cá nhân có chức có quyền của các cơ quan chức năng quyết định giá đất”.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương thì sự khó khăn và chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục đất đai cho các doanh nghiệp là do nhiều điều luật Luật đất đai còn chưa hợp lý, chưa rõ ràng thậm chí còn chồng chéo với nhiều luật. Ví dụ như điều 39 của luật đất đai về nguyên tắc thu hồi đất chưa đưa ra các phương án cụ thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Sự chồng chéo, bất cập của một số điều khoản của luật đất đai với các luật khác, ví dụ như sự không thống nhất giữa yêu cầu đấu giá đất trong điều 37 luật nhà ở với điều 58 luật đất đai. Hay việc có quá nhiều giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất như sổ hồng của sở xây dựng, hay sổ đỏ của Sở Tài nguyên môi trường... Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: Thực thi đúng luật này thì trái với luật khác, và như thế luật không có hiệu lực, vì trên thực tế mọi người sẽ không thực hiện theo luật. Còn nếu thực hiện theo luật thì chỉ là hình thức chứ không phải bản chất của luật. Như vậy là đã vô hiệu hóa những quy định tốt ở trong từng luật riêng lẻ, tạo ra rủi ro lớn cho người đầu tư, người kinh doanh và người dân liên quan đến việc sở hữu, sử dụng đất. Còn đối với các cơ quan nhà nước nhiều khi tạo ra sự tùy tiện, tùy ý trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới đất. 

Hiện nay, các khu công nghiệp khu chế xuất được xây dựng ở khắp nơi, nhưng hầu như các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể vào được do chi phí cao,  trong khi đó nhiều khu công nghiệp khu chế xuất tuy đã hoàn thành một thời gian dài nhưng mới chỉ đưa vào sử dụng được 50% diện tích. Một trong những nguyên nhân gây ra sự bất cập này là do công tác lập quy hoạch và lập kế hoạch chưa hợp lý, chưa quan tâm đúng mức tới khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: Quy hoạch đất đai hiện nay không theo định hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa mà biến thành một công cụ để người ta lợi dụng vào đó chia chác đấ đait, mưu lợi cá nhân. Thực tế vừa qua cho thấy trong khi người dân ở nhiều nơi thiếu đất canh tác thì những mảnh đất bờ xôi, bờ  mật màu mỡ ở nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… đang bị mất dần thay vào đó là các nhà máy của các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đại gia trong nước. 13.000 ha đất nông nghiệp của 6 địa phương miền nam đã biến thành 34 dự án sân golf. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của những cơ quan chức năng khi quyết định thực hiện những dự án này sẽ như thế nào?

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Dự thảo luật sửa đổi Luật Đất đai sẽ sửa đổi 35 điều và bổ sung thêm 5 điều nhằm đảm bảo thực thi luật đất đai được minh bạch dễ dàng không chồng chéo. Dự thảo này sẽ tiếp tục lấy ý kiến các bộ ngành, các doanh nghiệp và người dân trước khi trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội phê duyệt./.

 

 

Tiến Đức

(http://www.vovnews.vn/)