Hội thảo về Dự án Luật Đo dạc và bản đồ

21/08/2017

Sáng 21/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Hội thảo về Dự án Luật Đo dạc và bản đồ                              Ảnh: Thu Phương

Tham dự Hội thảo có các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng… cùng các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Báo cáo về những nội dung chính của Dự án Luật Đo đạc và bản đồ trước hội thảo, đại diện Ban soạn thảo- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để xây dựng dự án Luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Đo đạc và bản đồ; thu thập, nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ của một số nước trên thế giới; tổ chức các cuộc hội thảo với các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học lấy ý kiến để xây dựng đề cương và nội dung của dự thảo Luật.

Dự thảo luật Đo đạc và bản đồ có bố cục gồm 9 chương, 63 điều về những quy định chung; hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ và điều khoản thi hành. So với Nghị định số 45/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ và các văn bản pháp luật hiện hành về hoạt động đo đạc và bản đồ có một số nội dung mới về tăng cường phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý và tổ chức triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ; việc tổ chức, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; các hành vi bị nghiêm cấm; việc đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đo đạc và bản đồ; việc tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ…

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ ở nước ta còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế. Hoạt động đo đạc còn chồng chéo; lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm hoạt đo đạc và bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ thống nhất; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp; công tác xã hội hóa còn hạn chế…

Đánh giá nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những bất cập, hạn chế này trong hoạt động đo đạc và bản đồ là chưa có một hành lang pháp lý, hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ đồng bộ, thống nhất; các quy định pháp luật về đo đạc, bản đồ cao nhất mới ở mức Nghị định, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho rằng chính điều này đã dẫn đến hiện tượng quản lý chồng chéo giữa các ngành tài nguyên môi trường, xây dựng, giao thông, nông lâm nghiệp… với đủ loại chứng chỉ, giấy phép gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động đo đạc bản đồ. Mặt khác, sản phẩm hoàn thành không được giao nộp về một đầu mối để tích hợp, quản lý thống nhất, do vậy thông tin dữ liệu không đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu…

Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, thống nhất việc quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên toàn quốc, đảm bảo việc quản lý nhà nước và triển khai thực hiện hoạt động đo đạc và bản đồ thống nhất từ trung ương đến địa phương, giữa các cấp, các ngành, các đại biểu đều cho rằng việc ban hành Luật Đo đạc và bản đồ trong thời điểm hiện tại là yêu cầu rất cấp thiết và cần triển khai thực hiện nhanh chóng.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết, hiện tại xuất hiện nhiều sản phẩm đo đạc và bản đồ được truyền bá trên thị trường cũng như internet, nhưng Nhà nước chưa xây dựng được chính sách quản lý hữu hiệu với các dạng sản phẩm này, do đó chất lượng, tính chính xác, tính trung thực không được kiểm định đầy đủ. Vì vậy, Nhà nước cần thống nhất quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo việc cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giám sát tài nguyên môi trường.

Đề cập đến tầm quan trọng của công tác đo đạc và bản đồ trong hoạt động quân sự, quốc phòng của Việt Nam, nhiều ý kiến đại biểu khẳng định, trong quân độ, bản đồ là tài liệu chính để nghiên cứu, đánh giá địa hình, vẽ văn kiện tác chiến, bố trí lực lượng, định vị chiến trường…

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã sản xuất được các loại bản đồ giấy, hải đồ điện tử từ tỷ lệ 1/500 đến tỷ lệ 1/2.500.000 có phạm vi bao trùm toàn bộ vùng biển, đảo, thềm lục địa Việt Nam và toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, nước ta chưa có quy định Bộ Quốc phòng cung cấp sản phẩm đo đạc vì sản phẩm đo đạc bản đồ của Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù và có tính bảo mật cao. Do vậy, nhằm đảm bảo việc thống nhất quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, Bộ Quốc phòng đề nghị, dự án Luật Đo đạc và bản đồ cần phân định rõ ràng phạm vi nhiệm vụ thành lập cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình, tránh tình trạng 02 Bộ đều thực hiện nhiệm vụ thành lập cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình tỷ lệ trung bình và nhỏ, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, quy định rõ các loại thông tin dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thành lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được cung cấp miễn phí cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ theo những quy định riêng của pháp luật, không tổ chức giao nộp về Bộ Tài nguyên và Môi trường tương tự như quy định cho các Bộ, ban, ngành khác.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã và đang phối hợp với một số nước trên thế giới trong việc xây dựng và xuất bản bản đồ. Do vậy, bên cạnh những quy định đối với bản đồ do các cơ quan chức năng của Việt Nam thành lập, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng các quy định chung liên quan đến việc hợp tác trong đo đạc, thành lập, xuất bản bản đồ giữa Việt Nam và các quốc gia khác cũng như quy định về hoạt động đo đạc, bản đồ của các cơ quan chức năng Việt nam tiến hành ở nước ngoài.

Hội nghị cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ liên quan các nội dung về tên gọi của dự thảo Luật; việc chuẩn hóa tên các địa danh khi xây dựng bản đồ; chương trình đào tạo chuyên gia, cán bộ kỹ thuật trong công tác đo đạc và bản đồ…

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia. Những ý kiến này sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian tới. 

Tin và ảnh: Thu Phương