Đại biểu Nguyễn Sinh Hùng - Phó Thủ tướng - cho rằng mục tiêu thống nhất trong điều hành của Chính phủ hiện nay là tăng trưởng gắn với ổn định vĩ mô, giải quyết an sinh xã hội, cho nên phải chấp nhận tăng trưởng không cao lắm.
Chưa đồng bộ trong điều hành chính sách
Nhân vấn đề đang nóng hổi ở Tập đoàn Vinashin và đại lộ Đông – Tây, ĐB Nguyễn Đăng Kính cho rằng nguyên nhân chủ quan là Chính phủ và các cơ quan quản lý vĩ mô chưa tốt, từng việc quản lý điều hành chưa tốt nên xảy ra tình trạng tồn tại, thất thoát trong các công trình đầu tư xây dựng. ĐB Kính đề nghị Chính phủ và những người có trách nhiệm cao phải chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và chịu trách nhiệm về những vấn đề này. ĐB Chu Sơn Hà cũng phàn nàn: Trong công tác điều hành của Chính phủ thì việc kết hợp giữa các bộ, ngành không được chặt chẽ nên việc thực hiện chủ trương chính sách rất mất thời gian, lòng vòng quá nhiều khâu trung gian.
ĐB Chu Sơn Hà dẫn chứng: “Ví dụ như việc chuyển đổi các nông trường quốc doanh, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nông nghiệp đã được Chính phủ chỉ đạo nhưng suốt từ năm 2003 đến nay vẫn chưa xong gây nên lãng phí tài nguyên đất”.
Về những giải pháp cho năm tới, ĐB Bùi Duy Nhâm đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đường giao thông và hệ thống nhà máy điện để khắc phục tình trạng thiếu điện ngày càng trầm trọng. Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Có chính sách cụ thể để tạo việc làm. Làm mạnh hơn nữa trong việc cải cách hành chính để thuận lợi cho người dân.
Lý giải về tình trạng vẫn bội chi trong NSNN, ĐB Nguyễn Sinh Hùng - Phó Thủ tướng cho rằng mục tiêu thống nhất của việc điều hành của Chính phủ hiện nay là tăng trưởng gắn ổn định vĩ mô, giải quyết an sinh xã hội. Cho nên phải chấp nhận tăng trưởng không cao lắm. ĐB Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng cần phải khắc phục căn bệnh trầm kha là rải ra đầu tư quá nhiều dự án, làm tản mạn nguồn vốn không mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó vẫn phải đầu tư các công trình hạ tầng cho nông thôn mới, từ đường sá đi lại, công trình thủy lợi đến quy hoạch các vùng đánh bắt thủy, hải sản... để đời sống người dân cao hơn. Đầu tư này không đem lại hiệu quả kinh tế ngay, không đem lại hệ số ICOR hiệu quả hơn nhưng lại mang lại sự yên ổn lâu dài trong xã hội, vì thế vẫn phải chấp nhận bội chi cao hơn một chút.
Cần xem lại trách nhiệm của QH
Bàn về việc thực hiện các chỉ tiêu về KT-XH mà nghị quyết của QH đặt ra, ĐB Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ của QH bày tỏ sự vui mừng vì trong 21 chỉ tiêu mà nghị quyết của QH đặt ra thì Chính phủ đã hoàn thành đến 15 chỉ tiêu, chỉ còn khoảng 5 chỉ tiêu có khả năng không đạt được đó là những chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục – xã hội. “Những chỉ tiêu này không đạt được thì phải cần có sự phân tích đánh giá hết sức tỉ mỉ để làm rõ câu hỏi tại sao không đạt được? Hơn thế nữa cần phải đánh giá trách nhiệm của QH đặt ra như thế có đúng, có phù hợp hay không? Ví dụ như việc QH đặt ra chỉ tiêu cứ 200 dân sẽ có 1 sinh viên như thế có đúng không? Tại sao phải chạy theo con số mà không nghĩ đến chất lượng?” – ĐB Đào Trọng Thi đặt câu hỏi. “Về chỉ tiêu môi trường, QH đã đặt ra mấy năm nay mà chả thực hiện được chỉ tiêu nào, những chỉ tiêu không khả thi như vậy thì làm sao mà Chính phủ điều hành có hiệu quả được” – ĐB Thi kết luận.
ĐB Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TNMT cũng phàn nàn: Nhóm chỉ tiêu về môi trường có lẽ là nhóm chỉ tiêu lần đầu tiên trong kế hoạch 5 năm 2006-2010 được đưa vào vì trước đó chỉ có nhóm chỉ tiêu về KT-XH mà thôi. Lúc đầu dự kiến đưa ra 20 chỉ tiêu về môi trường nhưng sau đó QH chỉ đưa ra 8 chỉ tiêu về môi trường. Tất nhiên là ai cũng muốn làm tốt cho môi trường nhưng chưa thực hiện được vì chưa từng làm. Chúng ta có tham vọng lớn nhưng lại không có vốn để làm triệt để. Ví như nước sạch nông thôn thì Nhà nước chỉ làm được đường ống chính, còn đường ống dẫn vào từng nhà thì dân phải bỏ tiền ra lắp. Dân lại không có tiền để lắp ống nước về nhà dùng, thế là hiệu quả chẳng đi đến đâu. Về xử lý rác thải y tế cũng thế hoàn toàn phải phụ thuộc vào công nghệ. Hiện nay công nghệ xử lý rác thải y tế và rác thải nói chung công nghệ chúng ta không làm được mà phải nhập khẩu rất đắt tiền...
Trong khi đó nguồn ngân sách mà QH quyết chi cho việc xử lý môi trường mới chỉ là 1% nên không thể nào đáp ứng được. Vấn đề nữa là việc tổ chức quản lý và thực hiện. Hiện nay Chính phủ không giao cụ thể cho đơn vị nào chịu trách nhiệm xử lý vấn đề cụ thể nào của môi trường và nguồn kinh phí để thực hiện vấn đề đó ví dụ như vấn đề rác thải y tế thì nên giao thẳng cho Bộ Y tế xử lý nhưng vấn đề này cũng chưa rõ. Nhưng nhìn tổng thể chung thì mức QH chỉ cho chi 1% NSNN cho môi trường là quá ít, chỉ đủ để làm công tác đào tạo mà không đủ để thực hiện các chỉ tiêu về môi trường mà QH đặt ra.