Sáng 25/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND); dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; dự án Luật Phòng, chống mua bán người; dự án Luật Khiếu nại. Quốc hội cũng nghe báo cáo thẩm tra về các dự thảo Nghị quyết và dự án Luật trên.
Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
Tờ trình của Chính phủ nêu lên 4 lý do để tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thứ nhất nhằm quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Thứ 2 để góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nông dân; Thứ 3 nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn có một lý do là, trong 10 năm tới đời sống người nông dân sẽ được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp là cần thiết và phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trước mắt có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, song về lâu dài, cần thiết phải thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vì:
Thứ nhất, về nguyên tắc, đã sử dụng tài nguyên đất đai thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; Thứ hai, thực tế cho thấy, trong thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, bên cạnh những kết quả tích cực cũng phát sinh tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai như sử dụng kém hiệu quả, bỏ hoang hóa đất tại một số địa phương
Thứ ba, cần hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế nhằm bảo đảm bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng sử dụng đất đối với Nhà nước, bình đẳng giữa các lĩnh vực kinh tế và giữ được tính trung lập của chính sách thuế.
Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cũng cho rằng, miễn, giảm thuế thực chất là chính sách ưu đãi về thuế. Vì vậy, việc miễn, giảm cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực cụ thể, tránh ưu đãi dàn trải, kém hiệu quả. Cần phân loại đối tượng được miễn, giảm thuế theo mục đích sử dụng đất (đất trồng lúa, làm muối, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp,…), phân kỳ sử dụng đất (mới đưa vào sử dụng hoặc đã canh tác lâu năm) để có chính sách miễn, giảm phù hợp.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị miễn toàn bộ (100%) số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với mọi đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích vì cho rằng, số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay không lớn (chỉ khoảng 84 tỷ đồng/năm), khó bù đắp chi phí hành thu.
Bên cạnh đó, việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông”.
Thống nhất một số quy định giữa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND
Trong các kỳ bầu cử gần đây, việc bầu cử đại biểu Quốc hội được thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 và được sửa đổi, bổ sung năm 2001; việc bầu cử đại biểu HĐND được thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu HĐND 2003.
Qua tổng kết, đánh giá việc thi hành các luật này cho thấy các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI, XII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 đều được tiến hành đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, dân chủ, tiết kiệm, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, trong điều kiện tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày thì sẽ có một số vấn đề vướng mắc phát sinh cần phải giải quyết.
Hiện nay, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND có quy định khác nhau về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề về chỉ đạo bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử, số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu, trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện các bước trong quy trình bầu cử.
Với các quy định khác nhau như vậy, nếu vẫn tiến hành quy trình bầu cử độc lập theo từng luật thì sẽ rất phức tạp trong chỉ đạo bầu cử chung và tổ chức thực hiện, gây lãng phí về thời gian, tiền của và công sức.
Vì vậy, để tổ chức thực hiện cuộc bầu cử chung trong cùng một ngày có tính khả thi, bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm thì cần phải có sự thống nhất về một số quy định giữa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; đồng thời cần sửa đổi một số vướng mắc về tổ chức thực hiện bầu cử đã phát sinh trong các cuộc bầu cử vừa qua.
Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật nhằm góp phần bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và là ngày hội của toàn dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kế thừa và phát huy những ưu điểm, những quy định vẫn còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong những quy định của 2 Luật trên nhằm bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam; Tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề vướng mắc thật sự cấp bách của các luật về bầu cử do tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày và trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại một số địa phương.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 2 Luật trên có cấu trúc nội dung của một Luật sửa đổi, bổ sung nhiều Luật với 4 điều, bao gồm Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; Điều 2 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Điều 3 quy định về việc đổi tên gọi các tổ chức phụ trách bầu cử; Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.
Đảm bảo tính khả thi và thống nhất với hệ thống pháp luật
Thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ: Hiện nay, bộ Luật Hình sự và bộ Luật Tố tụng hình sự chỉ quy định việc phát hiện, xử lý đối với hành vi mua bán người tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, còn các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến mua bán người, các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, các biện pháp phòng ngừa, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng… được quy định tại các văn bản dưới luật.
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người trình Quốc hội lần này quy định một cách đầy đủ các hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan; đồng thời quy định nguyên tắc xử lý; các biện pháp phòng ngừa; việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương… và luật hoá một số quy định về phòng, chống mua bán người đã được áp dụng và đang có hiệu quả trên thực tế. Do vậy, về cơ bản dự án Luật Phòng, chống mua bán người đã đảm bảo tính khả thi và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Cũng trong sáng 25/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khiếu nại.
Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND và thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp./.