Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật viên chức / Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII
Sáng 26/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Viên chức.
Dự án Luật Viên chức đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2010). Sau Kỳ họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Uỷ ban Pháp luật phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Dự thảo Luật Viên chức sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này gồm 6 Chương, 63 Điều.
Thảo luận về các điều, khoản của dự thảo Luật Viên chức, các đại biểu tập chung vào phạm vi điều chỉnh; về khái niệm viên chức; về đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức, quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; việc quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập…
Bàn về khoản 2, Điều 31 của dự thảo Luật quy định «Căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được xác định trong hợp đồng làm việc, viên chức được người có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng», đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy trình này chưa hợp lý bởi theo quy định của dự thảo Luật, việc ký hợp đồng được thực hiện trước, trong đó đã xác định rõ vị trí việc làm, tiền lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác. Còn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được thực hiện sau và căn cứ trên hợp đồng làm việc.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần chỉnh sửa quy trình tuyển dụng viên chức cho hợp lý hơn, theo đó, việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phải được thực hiện trước, rồi mới ký hợp đồng làm việc. Tiền lương phải căn cứ vào chức danh nghề nghiệp, còn vị trí việc làm sẽ được hưởng các khoản đãi ngộ khác tuỳ theo khả năng của các đơn vị sự nghiệp công lập. Có như vậy mới bảo đảm sự công bằng về quyền, nghĩa vụ giữa các viên chức.
Đại biểu Vũ Hồng Anh cũng cho rằng, việc Ban soạn thảo dự kiến Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Tuy nhiên, trong 1 năm nữa, rất khó có thể chuyển đổi tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn sang đơn vị công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn. Bởi việc chuyển đổi này không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý, mà phải căn cứ vào điều kiện thực tế, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đó.
Về việc thành lập Hội đồng quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng) đồng tình với quan điểm của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc cần thành lập Hội đồng này. Theo đại biểu, nếu Hội đồng này được thành lập thì sẽ có một cơ quan quản lý để giám sát các hoạt động của đơn vị công lập. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, trong dự thảo Luật cần quy định rõ cơ cấu, thành phần của Hội đồng (ví dụ Hội đồng có bao nhiêu thành viên, có ít nhất bao nhiêu % là người ngoài cơ quan…).
Đồng tình với ý kiến cho rằng nên thành lập Hội đồng quản lý, bởi khi chúng ta vẫn thừa nhận các đơn vị công lập nằm trong sự bao bọc của Nhà nước dù là tài chính hay cơ sở vật chất, thì cũng không nên tuyệt đối hoá vai trò của người đứng đầu. Nhiều hiện tượng cho thấy, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong các đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức rất phức tạp và có nhiều tiêu cực. Do vậy Hội đồng quản lý là cần thiết.
Trái với các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) lại cho rằng, không nên “đẻ” thêm bộ máy nữa, để rồi đến lúc nào đó chúng ta lại nói rằng không có hiệu quả. Theo đại biểu, trong đơn vị công lập, quyền quyết định rất nhiều việc nằm ở Đảng uỷ, và chúng ta cũng có tổ chức Công đoàn để giám sát… giờ lại thêm một Hội đồng quản lý thì “nó” làm cái gì?
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị cân nhắc lại một số quy định trong dự thảo Luật, như tại Điều 19 có quy định viên chức không được tham gia đình công. Theo đại biểu, chúng ta có nên tước họ quyền đó không? Bởi viên chức, công nhân không còn quyền gì ngoài cách phản ứng tiêu cực là đình công để ép người quản lý phải đảm bảo quyền lợi cho họ. Theo đại biểu, công chức thì có thể không được phép đình công, còn đối với viên chức thì phải xem xét lại quy định này.
Chiều 26/10, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm./.