Luật Khiếu nại hay khiếu nại hành chính?
Từ năm 2005 đến nay, tình hình khiếu nại của công dân vẫn diễn biến phức tạp, khiếu nại xảy ra nhiều nhất là ở các tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hoá cao, đã và đang thực hiện nhiều dự án về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông và các công trình công cộng khác… Nội dung khiếu nại phần lớn liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất (chiếm khoảng 80% số vụ việc khiếu nại).
Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này là các khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Như vậy, dự án luật chỉ điều chỉnh đối với những quyết định hành chính, hành vi hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế còn có các loại quyết định liên quan đến quyết định hành chính chẳng hạn như khiếu nại, giải quyết khiếu nại của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định các tổ chức sự nghiệp công lập không phải là các cơ quan hành chính nhà nước, trong quan hệ với công dân không có quyết định hành chính, hành vi hành chính; trong quan hệ nội bộ cũng có những đặc thù không giống hoàn toàn như đội ngũ cán bộ, công chức. ĐB Nguyễn Thanh Tâm (Tây Ninh) cho rằng, không nên giới hạn việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà cần điều chỉnh cả việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức (không phải là cơ quan hành chính nhà nước) thuộc mọi lĩnh vực (trừ lĩnh vực tố tụng). Nếu không mở rộng phạm vi điều chỉnh thì nên gọi là Luật Khiếu nại hành chính. Đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) lưu ý, việc sử dụng không thống nhất các khái niệm cùng một nội dung giữa các dự án luật khác nhau như khái niệm "hành vi hành chính", "người có quyền và nghĩa vụ liên quan" trong dự án Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính chưa đi vào vấn đề cụ thể, do đó khi áp dụng sẽ khó khăn.
Giải quyết khiếu nại đông người như thế nào?
Theo ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) không nên quy định trong dự án luật những quy định liên quan đến khiếu nại đông người. Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Dung cũng khẳng định cần có biện pháp giải quyết khiếu nại đông người, vì đây là một thực tế không thể né tránh, khi vụ việc xảy ra các cơ quan nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giải quyết. Chẳng hạn cần có biện pháp sàng lọc đơn thư ban đầu. Cụ thể trong quá trình tiếp nhận đơn thư, cán bộ tiếp nhận cần giải thích cho người tham gia khiếu kiện đông người về nội dung của khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, qua đó tác động tới nhận thức trong qua trình viết đơn; đồng thời cũng sàng lọc, hạn chế được đơn thư khiếu nại.
Khiếu nại đông người thực chất là nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung. Thực tế tình trạng khiếu nại đông người vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất gay gắt, phức tạp và thường liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, môi trường,... đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải xem xét giải quyết dưới các hình thức khác nhau như tiến hành thanh tra, xác minh, sau đó ra văn bản trả lời... ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cũng cho rằng, nếu không quy định về khiếu kiện đông người thì cần nghiên cứu cơ chế uỷ quyền trong khiếu kiện đông người. ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đặt vấn đề: trong quá trình giải quyết khiếu nại, cơ quan hành chính quyết định huỷ quyết định hành chính lần đầu, vậy quyền lợi của những người liên quan trong quyết định sai sẽ được giải quyết như thế nào...?
Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.