Tăng cường đầu tư công cho y tế và giáo dục

03/11/2010

Đại biểu kiến nghị tiếp tục đầu tư công để tập trung cho nguồn lực khám, chữa bệnh...

Sáng 2/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Bên cạnh việc biểu lộ sự đồng tình với những kết quả đã đạt được như Báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu cũng tập trung thảo luận những vấn đề còn tồn tại, trong đó có vấn đề y tế và giáo dục.

Cần có cơ chế giám sát giá thuốc

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) kiến nghị, Chính phủ sớm thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với ngành y tế, điều chỉnh mức thu hợp lý đối với một giá dịch vụ y tế như ngày/giường, công khám, đổi mới phương thức chi trả dịch vụ khám chữa bệnh từ bao cấp cho cơ sở y tế sang hỗ trợ cho đối tượng hưởng dịch vụ. Đây sẽ là một bước cải cách quan trọng trong cơ chế tài chính y tế.

Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung chương trình phòng, chống HIV/AIDS và an toàn vệ sinh thực phẩm cùng với chương trình y tế và dân số kế hoạch hóa gia đình vào danh mục chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư cho y tế và giáo dục là đầu tư cho phát triển, chính là đầu tư cho chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Kim Khánh (đoàn Cà Mau) có ý kiến về giá thuốc y tế rằng, hiện nay ta chưa có cơ chế để cơ quan bảo hiểm xã hội kiểm soát giá thuốc, trong khi hàng năm cơ quan chi trả một số lượng tiền rất lớn. Năm 2009 quỹ bảo hiểm y tế chi trả tiền thuốc cho các bệnh viện khoảng 9.500 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2010 sẽ là 13.000 tỷ đồng, không biết đó là đắt hay rẻ, có đúng với giá hay không?

Thứ hai, theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thực hiện cùng chi trả 5% hoặc 20% kinh phí khám, chữa bệnh nên một số đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, người bị bệnh mãn tính, bệnh nặng gặp rất nhiều khó khăn trong việc cần chi trả kinh phí khám chữa bệnh.

Về tình trạng giá thuốc tăng làm dư luận xã hội rất bức xúc và bất bình trong nhân dân, các đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (đoàn Tây Ninh), đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (đoàn Nam Định), đại biểu Kim Khánh (đoàn Cà Mau) kiến nghị Chính phủ: Thứ nhất, sớm chỉ đạo nghiên cứu bổ sung sửa đổi các quy định để có căn cứ phát lý về giá thuốc khi xét thầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch về giá thuốc, hạn chế các công ty kinh doanh dược trung gian và hạn chế tình trạng hoa hồng cho các hiệu thuốc. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc tham gia kiểm soát giá thuốc và sớm sửa đổi một số quy định còn bất cập của Luật Bảo hiểm y tế để một số nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn được bảo vệ sức khỏe tốt hơn; Bộ Y tế cần phối hợp thường xuyên với cơ quan truyền thông đại chúng để thông tin chính xác, kịp thời diễn biến của giá thuốc trên thị trường cũng như triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế một cách toàn diện. Trước mắt, cần nghiên cứu để trình với Chính phủ sửa đổi một số văn bản pháp luật để tạo điều kiện bình ổn giá thuốc chữa bệnh cho nhân dân; Cần kiện toàn bộ máy thanh tra, tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra việc quản lý Nhà nước về thuốc, giá thuốc và xử lý nghiêm về các vi phạm trong các lĩnh vực này.

Về tình trạng quá tải bệnh viện, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (đoàn Bến Tre) có  ý kiến, thực tế thì ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh, ở tại tuyến tỉnh để giảm đi lượng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, có một thực tế là tình trạng quá tải ở bệnh viện vẫn chưa được khắc phục cơ bản, chưa được cải thiện đáng kể.

Đại biểu mong muốn có sự đầu tư có giải pháp đột phá, tập trung cao cho các nơi mà hiện nay đang quá tải ở bậc nhất và những nơi hiện nay đang tập trung khám và điều trị chuyên khoa cho bệnh nhân, nhất là ở tuyến trên, những nơi có đầu tư phương tiện kỹ thuật cao cũng như đội ngũ y, bác sỹ chuyên nghiệp có tay nghề cao.

Việc khắc phục sự quá tải ở bệnh viện, nhất là các bệnh viện chuyên khoa cũng có đề xuất là thực hiện việc xã hội hóa, nhưng trên thực tế việc xã hội hóa là cần thiết nhưng những việc mang tính đột phát thì phải cần thiết có sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước, cũng như là thu hút từ trái phiếu Chính phủ, chứ không trông chờ vào việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa.

Đại biểu cũng kiến nghị tiếp tục đầu tư công để tập trung cho nguồn lực khám, chữa bệnh, để tối thiểu khi bệnh nhân đến đây cùng với việc được khám, điều trị thì họ có một quyền rất chính đáng là được có một giường nằm để điều trị đảm bảo ở điều kiện an toàn nhất.

Chấm dứt độc quyền biên soạn sách giáo khoa

Đóng góp ý kiến về các giải pháp trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắk) cho rằng  cần đổi mới ngay chương trình và sách giáo khoa, chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài trong giáo dục.

Theo đại biểu việc này không quá khó nếu như coi học hết lớp 10 là xong kiến thức phổ thông và dành lớp 11, 12 để phân ban sâu định hướng cho học sinh vào đời hay học tiếp theo các định hướng xác định.

Đại biểu kiến nghị giao cho các hội khoa học chuyên ngành soạn thảo chương trình với sự hỗ trợ kinh phí để có thể tham khảo chương trình mới nhất của các nước có giáo dục phát triển và sau đó được thẩm định bởi một hội đồng giáo dục quốc gia có đầy đủ uy tín. Cần chấm dứt việc độc quyền biên soạn sách giáo khoa, trên thế giới sách giáo khoa luôn luôn là sản phẩm của từng nhóm chuyên gia của từng nhà xuất bản khi đã có một chương trình thống nhất có tính pháp chế cao do Nhà nước ban hành. Việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào hoàn toàn là quyền của người sử dụng. Nên loại bỏ các bộ sách tham khảo khi chất lượng sách giáo khoa được nâng cao do có sự cạnh tranh.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn TP Đà Nẵng), Nguyễn Văn Sỹ (đoàn Quảng Nam) và nhiều đại biểu cho rằng đây  là vấn đề nóng, chúng ta đang hội nhập thì nguồn nhân lực phải đảm bảo tính cạnh tranh, đáp ứng được thị trường lao động.

Theo đại biểu, Nguyễn Văn Sỹ chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế là do số lượng lao động đào tạo ở nước ta ở mức thấp, chất lượng còn nhiều vấn đề bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện đứng thứ 85/123 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số lượng sinh viên đại học, cao đẳng ra trường gia tăng nhưng việc làm rất khó vì không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng. Khả năng thực hành hạn chế do đào tạo thiên về lý thuyết hơn thực hành, sinh viên rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với thiết bị hiện đại, công nghệ nên doanh nghiệp phải đào tạo lại. Cần đổi mới hơn nữa phương pháp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành. Hiện đại hóa các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo kỹ sư. Có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện, xây dựng đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng thực hành cho sinh viên.

Đóng góp ý kiến về dạy nghề cho lao động nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Đại biểu Ngô Tự Nam (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu cấp thiết của đất nước ta, đất nước có lực lượng lao động lớn nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp. "Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 đã bố trí 1.000 tỷ đồng cho dạy nghề lao động ở nông thôn. Báo cáo của Chính phủ có đề nghị cân đối tối thiểu 3% tổng chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm".

Đại biểu đề nghị xem xét nâng mức cân đối tối thiểu là 4% tổng chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có chương trình quốc gia về việc làm.

Các đại biểu cũng  đề nghị cần có thái độ cách mạng thật sự trong lĩnh vực khoa học, công nghệ mới hy vọng góp phần phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ trình độ, năng lực tiếp thu ứng dụng phát triển các ngành khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; Chính sách thỏa đáng để tạo điều kiện làm việc và sức mạnh cho trí thức Việt kiều và nghiên cứu sinh./.

 

 

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác