Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau họp trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV

15/10/2024

Để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, ngày 15/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề khó khăn, bức xúc của địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau tiếp xúc cử tri công nhân lao động

Hội nghị do Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận chủ trì. Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải cùng dự.

Hội nghị đã tiếp thu khoảng 10 ý kiến, kiến nghị của đại biểu, xoay quanh một số khó khăn về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, liên quan đến các vấn đề như: đầu tư nâng cấp đê biển Tây; việc giải ngân các nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới còn chậm; giảm chi phí xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh trong khám chữa bệnh; vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa... Liên quan đến lĩnh vực thông tin truyền thông, cử tri đề nghị Bộ Công an và Thông tin - Truyền thông cần có giải pháp trong việc quản lý, xử lý các tin nhắn rác; cần có giải pháp ngăn chặn và xử lý mạnh đối tượng liên quan đến lừa đảo qua không gian mạng.

Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận

Các đại biểu cũng kiến nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh cho phép người đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu được khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến ý tế và được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định, kiến nghị bổ sung đối tượng được hỗ trợ BHYT đối với những người sống ở an toàn khu, vùng căn cứ cách mạng. Kiến nghị Bộ Công thương có hướng dẫn xây dựng chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn các địa phương có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nhằm thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới…

Quang cảnh hội nghị

Trước đó, ngày 11/10, Đoàn ĐBQH đã có buổi tiếp xúc với cử tri là công nhân trên địa bản tỉnh. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri có ý kiến về Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, tập trung vào chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đoàn viên, người lao động mong muốn được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức lãi suất ưu đãi. Chính sách tín dụng tạo việc làm phải đến được với người lao động thực sự có nhu cầu, hỗ trợ đúng người, đúng việc. Cần có quy định nhằm thúc đẩy tất cả mọi người lao động, người sử dụng lao động tham gia đăng ký, cập nhật thông tin, để có cơ sở dữ liệu đầy đủ về lao động, việc làm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về người lao động, việc làm.

Các đại biểu đóng góp tại hội nghị

Về bảo hiểm thất nghiệp, cử tri cho rằng, đoàn viên, người lao động mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp để người lao động được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp đúng quy định, đảm bảo cuộc sống, phát triển việc làm mới.

Cử tri đề nghị quy định cứng về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động, tránh trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng quy định, đóng mức thấp hơn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Đồng thời, quy định rõ các trường hợp đặc biệt để Chính phủ điều chỉnh mức đóng này. Đối với trường hợp người lao động bị sa thải không tìm việc làm mới do người sử dụng lao động mới coi “sa thải” như một lý lịch không tốt để từ chối nhận người lao động vào làm việc, cần nghiên cứu, xây dựng quy định mang tính nguyên tắc để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng này.

Cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét, tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn, xem xét quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để xảy ra đình công, ngừng việc; xem xét, cho phép người lao động trong khu vực phi chính thức có quyền thành lập và gia nhập công đoàn, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của họ.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác