Đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ khi đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam

13/11/2024

Sáng ngày 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại Tổ 2.

Thảo luận Tổ 2: Tạo điều kiện để nhà giáo phát triển và phát huy năng lực

Toàn cảnh Phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.

Hướng tuyến dự án được nghiên cứu, lựa chọn “ngắn nhất có thể”, bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch của địa phương; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực đông dân cư; bảo đảm liên kết các hành lang Đông - Tây và các tuyến đường sắt liên vận quốc tế.

Các đại biểu tại Phiên họp

Dự án bố trí 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200-500 ha; 05 ga hàng, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5 ha. Trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Chính phủ sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần tiết đầu tư dự án; đồng thời cho rằng, việc đầu tư dự án sẽ hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và thực hiện các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tăng cường kết nối vùng, miền, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam; tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Trần Anh Tuấn

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, đây là dự án lưỡng dụng, cần sớm được triển khai để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa thuận lợi trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án, cần tính toán tính khả thi khi sử dụng vốn đầu tư công từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời cần tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, tài chính và phân kỳ vốn đầu tư phù hợp cho từng giai đoạn.

Cũng thống nhất với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, dự án trình ra Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã đáp ứng được cơ sở thực tiễn và cơ sở chính trị, đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và thống nhất. Đại biểu cho rằng, dự án này có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thu hút du lịch, cạnh tranh với các phương tiện giao thông khác.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

“Dự án đường sắt này đi qua 20 tỉnh thành sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế ở các địa bàn đó. Các địa phương ở vùng sâu, vùng xa mà có những tuyến nhà ga khi tuyến đường sắt này đi qua sẽ rất thuận lợi cho việc đi lại, hỗ trợ và nâng cao được năng lực cạnh tranh, thu hút được du lịch trong nước và quốc tế”, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.

Góp ý thêm cho quá trình hoàn thiện các nội dung của dự án, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Cơ quan trình chủ trương đầu tư dự án cần làm rõ hơn về sự khác biệt giữa khái niệm "đường sắt tốc độ cao" và "đường sắt cao tốc" trong quá trình giải trình tại Quốc hội. Đồng thời, cần lưu ý đảm bảo tính đồng bộ giữa quy hoạch đường sắt tốc độ cao với quy hoạch giao thông của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với các tuyến đường sắt khác.

Cùng với đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp đường sắt; học tập kinh nghiệm quốc tế, đồng thời rút ra bài học từ các dự án trước đây để tránh kéo dài tiến độ và lãng phí. Ngoài ra đối với các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh không quá lớn trong quá trình triển khai, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình thi công.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Cũng ủng hộ chủ trương đầu tư dự án này, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề xuất kéo dài thêm tuyến đường sắt đến khu vực miền Tây, đặc biệt là đến Cần Thơ. Bởi đại biểu cho rằng, khu vực miền Tây có lượng hành khách vận tải rất đông, nhưng hiện tại chưa có nhiều tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc. Tình trạng ùn tắc giao thông ở miền Tây, đặc biệt vào dịp lễ, Tết, rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây, nên việc kéo dài tuyến đường sắt đến đây sẽ mang lại nhiều lợi ích. 

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu đã góp ý cụ thể cho các nội dung về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; và dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Các đại biểu tại Phiên họp

Đại biểu Hà Phước Thắng

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Dương Ngọc Hải

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy

Đại biểu Nguyễn Minh Đức

Các đại biểu tại Phiên họp

Thu Phương – Phạm Thắng

Các bài viết khác