ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC TẠI HUYỆN NAM TRÀ MY, TỈNH QUẢNG NAM

15/03/2018

Chiều 14/3, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến làm trưởng đoàn tiếp tục giám sát về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2010 – 2017” tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc

Hiện tại, trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có 31 cơ sở giáo dục do huyện quản lý; có 2 cơ sở giáo dục do tỉnh quản lý gồm 1 trường Trung học phổ thông và 1 trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục huyện là 833 người. Năm 2017, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho 628/672 học sinh, đạt 92,8%; tốt nghiệp Trung học cơ sở cho 448/453 học sinh, đạt 98,9%; tốt nghiệp kỳ thi quốc gia Trung học phổ thông tỷ lệ đạt trên 98%. 

Đến nay, đã có hơn 1,6 tỷ đồng được phân bổ về huyện trong Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, theo Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, tất cả các trường nội trú, bán trú được xây dựng khang trang, đầy đủ phòng học, phòng chức năng, nhà ở, nhà ăn, bếp nấu, khu vệ sinh, sân chơi và hỗ trợ đầy đủ trang thiết bị để dạy học.

 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu báo cáo với Đoàn công tác

Giai đoạn từ năm 2014 - 2017, huyện Nam Trà My đã được bố trí nguồn vốn gần 33 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 50 phòng học theo Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên theo Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Đề án đầu tư, hỗ trợ hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 và Đề án phổ cập cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định số 239/2010/QĐ-TTG ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ cũng được triển khai. Tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My cũng đã nỗ lực áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người học, bằng tiền, bằng hỗ trợ học phí hoặc hỗ trợ gạo cho học sinh mẫu giáo, học sinh bán trú. Nhờ đó công tác giáo dục tại địa phương đạt được những kết quả tích cực.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Nam Trà My cũng báo cáo với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc những khó khăn trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, việc thực hiện chế độ phụ cấp, trợ cấp theo các chính sách quy định tại Nghị định 61/2006, Nghị định 19/2013 và Nghị định 116/2010 còn gặp nhiều khó khăn như: thời gian hưởng có thời hạn 5 năm nên khi hết thời gian hưởng thì người lao động lại xin chuyển về vùng có điều kiện thuận lợi hơn. Mức hỗ trợ theo Nghị định 116 cũng chỉ mới đủ bù chênh lệch trượt giá giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, chưa tạo được động lực thu hút nguồn lực. Ngoài ra, trình tự, thủ tục hồ sơ và quy trình xét duyệt còn rườm rà, chồng chéo, nhiều văn bản giấy tờ; chế độ theo Nghị định 86 của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập thường được cấp trong thời gian cuối các học kỳ là chưa hợp lý.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của địa phương

Các thành viên Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc cũng trao đổi để làm rõ thêm nguyên nhân của những bất cập hiện nay như: Thực trạng cơ sở vật chất của địa phương, số lượng phòng học, trường học cần kiên cố hoá. Những vấn đề liên quan đến cử tuyển, xoá mù chữ, chống tái mù chữ, tổ chức dạy tiếng dân tộc cho đồng bào, hỗ trợ cho học sinh nội trú, bán trú. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến thay mặt đoàn giám sát tặng quà cho huyện Nam Trà My

Thay mặt đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến biểu dương những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam, của huyện Nam Trà My trong việc chủ động tiếp cận các chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh: Huyện đã có nhiều cách làm hay, trong việc hỗ trợ giáo viên, học sinh, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My rất đáng ghi nhận, là điểm sáng trong phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn vừa qua. Đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, sẽ ghi nhận và tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để có những điều chỉnh kịp thời./.

Mỹ Phượng