LỒNG GHÉP NGUỒN LỰC ĐỂ THOÁT NGHÈO

07/03/2019

Làm việc với huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu ngày 06/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc, thiểu số miền núi giai đoạn 2012-2018" cho rằng công tác lồng ghép nguồn lực đã góp phần quan trọng giúp huyện về đích sớm trong công tác giảm nghèo. Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với UBND huyện Than Uyên

Huyện Than Uyên là huyện miền núi Tây Bắc. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 85%. Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống hiện nay còn 19, 79%, có 4 xã đặc biệt khó khăn và 76 thôn bản đặc biệt khó khăn. Nhờ có bước đi đúng đắn, năm 2018, Than Uyên là một trong 8 huyện thoát nghèo theo Quyết định 30A của Thủ tướng Chính phủ.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung phân tích các bất cập trong chính sách cũng như trong triển khai thực hiện, đánh giá hiệu quả, tính bền vững của chính sách, quy mô của các chương tình dự án, làm rõ thêm các cơ sở thực tiễn của các đề xuất kiến nghị.

Mặc dù nguồn vốn của các chương trình dự án giảm nghèo chỉ đáp ứng 43% so với nguồn vốn được duyệt, tuy nhiên do lồng ghép cùng với nhiều nguồn lực khác trong đó quan trọng nhất là nguồn hỗ trợ tái định cư Bản Chát. Từ nguồn hỗ trợ này ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho dân thì đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cho 7/12 xã trong huyện. Đây là một trong những nguồn vốn quan trọng giúp huyện Than Uyên thoát nghèo trước 2 năm so với kế hoạch. Tuy nhiên lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện cũng cho rằng tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhưng chưa bền vững, số hộ nghèo phát sinh, số hộ cận nghèo còn cao do thu nhập của hộ gia đình chưa thường xuyên và không ổn định. Để duy trì được thoát nghèo, đại diện các cấp huyện Than Uyên kiến nghị tiếp tục bố trí nguồn vốn cho các dự án cấp thiết đã được phê duyệt, có các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục cho các huyện miền núi mới thoát nghèo.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu kết luận buổi làm việc 

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho rằng mặc dù vẫn còn một số tồn tại nhưng Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của các cấp trong việc ban hành văn bản, cách thức tuyên truyền cũng như phân tích chính sách, nguồn lực, kết quả từng năm, từng tháng qua đó đề ra các phương án cụ thể, đặc biệt là việc lồng ghép chương trình dự án để bố trí nguồn lực thực hiện các mục tiêu giảm nghèo. Việc lồng ghép nguồn lực di dân tái định cư vào với các chính sách giảm nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả cao, là điểm sáng trong tổ chức lồng ghép nguồn lực để thoát nghèo. Nhất trí với các kiến nghị của Uỷ ban nhân dân huyện Than Uyên về việc bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, nguồn điện; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo cán bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, Trưởng Đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến cho biết những nội dung quan trọng thu được trong buổi làm việc hôm nay sẽ được thảo luận thông qua các hội thảo, hội nghị và giải trình với các bộ ngành nhằm thống nhất ý kiến để đưa vào báo cáo giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc, thiểu số miền núi giai đoạn 2012-2018" trình Quốc hội.

Phan Xanh - Hồng Dũng

Các bài viết khác