ĐOÀN GIÁM SÁT ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI GIÁM SÁT TẠI HUYỆN LỘC BÌNH, TỈNH LẠNG SƠN

02/04/2019

Ngày 01/4, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn về thực hiện chính sách, pháp luật trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2020.

Huyện Lộc Bình là huyện biên giới miền núi với 16 xã trên tổng số 29 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm 96,6%, riêng các xã Lợi Bác và Mẫu Sơn gần 100% là dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách về giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay chiếm 19,24%, trong đó hơn 99% là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2016 có 11 xã tỷ lệ hộ nghèo cao từ 50% trở lên, đến năm 2018 đã giảm xuống còn 2 xã, đã có 4 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Hộ nghèo, cận nghèo vẫn chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đoàn giám sát đã trực tiếp khảo sát tại các gia đình hộ nghèo và làm việc tại UBND các xã Lợi Bác và Mẫu Sơn, Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Bình để làm rõ về tình hình thu nhập của các hộ nghèo; các mô hình sản xuất, chăn nuôi và đảm bảo sinh kế; việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục; hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng; nguồn lực đầu tư, tình hình lực lượng lao động,việc làm, hiệu quả tuyên truyền và triển khai các chính sách giảm nghèo...

Đoàn khảo sát tại gia đình ông Hoàng Đình Thọ, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn (ảnh: Báo Lạng Sơn)

Qua khảo sát và báo cáo của Uỷ ban nhân dân xã cho thấy việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo đã có hiệu quả. Về cơ sở hạ tầng, nhiều tiêu chí có sự chuyển biến lớn như tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 97,5%, 100% xã đường giao thông đến trung tâm, tỷ lệ cứng hoá đã được nâng lên, cơ sở vật chất về trường học và trạm y tế được đầu tư nâng cấp, các hoạt động về sản xuất đã có sự chuyển dịch kinh tế với nhiều sản phẩm nông lâm nghiệp quan trọng phục vụ nhu cầu hàng hoá trong tỉnh, chuyển dịch cơ cấu trong công nghiệp dịch vụ và bước đầu có nhiều kết quả tốt.

Huyện Lộc Bình có diện tích hơn 90% là đất nông nghiệp và lâm nghiệp, trong đó trên 90% là đất lâm nghiệp. Để giảm nghèo, Huyện xác định phải dựa vào phát triển kinh tế rừng. Tổng diện tích rừng là trên 60.000 ha, diện tích rừng sản xuất là trên 43.000 ha rừng sản xuất trong đó rừng thông chiếm 90%. Các đại biểu trong Đoàn giám sát đề nghị huyện Lộc Bình cần quan tâm đến công tác bảo vệ rừng và phát triển các sản phầm từ rừng, xem đây là nguồn thu quan trọng với các loại cây chủ lực như cây thông, chanh rừng, dược liệu... Ngoài ra, Huyện cũng cần nghiên cứu tập trung đầu tư sản xuất cây gỗ lớn theo định hướng của Chính phủ nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ xuất khẩu.

Thống nhất và đánh giá cao những nỗ lực của Huyện trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng việc thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao; một số tiêu chí còn đáng lo ngại như vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường, cần lưu ý đến việc xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, vấn đề đáng quan tâm nhất là việc thực hiện chính sách giảm nghèo liên quan đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Qua kiểm tra tại 2 xã Lợi Bác và Mẫu Sơn cùng báo cáo của Huyện cho thấy việc xây dựng các mô hình sản xuất vẫn chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân là do chính sách vẫn còn chưa rõ ràng và chưa phù hợp, quá trình phân bổ nguồn vốn còn thiếu và chưa kịp thời nhưng quan trọng nữa là quá trình tổ chức thực hiện của các cấp chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Nếu như xã Lợi Bác vẫn chưa tìm được các cây con có lợi thế chủ lực để tập trung sản xuất thì ở xã Mẫu Sơn dựa vào sự chủ động của bà con và sự quan tâm của chính quyền đã có một số cây con và sản phẩm chủ lực như chanh rừng, nhựa thông, gà 6 ngón, rượu Mẫu Sơn... vì vậy xã Mẫu Sơn cần sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo huyện để xây dựng mô hình điểm trong sản xuất nông lâm nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, nhìn chung huyện Lộc Bình mới bắt đầu xác định được việc các cây con chủ lực để phát triển kinh tế nhưng chưa rõ, cây Thông là cây chủ lực nhưng chưa phải là cây duy nhất, cần phải đa dạng sinh kế, chọn vài sản phẩm hàng hoá trọng điểm để phát triển. Chỉ khi định hướng được cây con, sản phẩm chủ lực, khi xác lập được thị trường thì người dân mới tin theo và tập trung sản xuất nâng cao đời sống. Trong công tác giảm nghèo, Huyện cần xây dựng phương thức sản xuất mới và quan hệ sản xuất mới, tổ chức sản xuất theo tính hợp tác, liên kết. Cần định hướng trong công tác giảm nghèo là lấy đầu tư phát triển làm nền tảng để giảm nghèo, tách nhóm đầu tư xã hội để hỗ trợ riêng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Đảng uỷ và chính quyền địa phương các cấp phải xác định rõ những việc cần làm và cách thức tổ chức thực hiện; Cần nắm rõ nhu cầu, vận động tuyên truyền, giúp đỡ người dân trong phát triển kinh tế cũng như tiếp cận dịch vụ để giúp người dân giảm nghèo bền vững, đồng thời đề xuất, kiến nghị sát thực đối với việc điều chỉnh các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi./.

Phan Xanh - Anh Tuấn