THẨM TRA SƠ BỘ ĐỀ ÁN TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

04/09/2019

Sáng ngày 04/9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự buổi làm việc còn có: đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Ủy ban Dân tộc và một số Bộ, ngành có liên quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nước ta có 53 dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Duyên hải miền trung, chiếm ¾ diện tích cả nước. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng. Tuy nhiên đây vẫn là vùng khó khăn nhất, đời sống kinh tế phát triển chậm nhất. Do đó, cần thiết phải xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát huy ưu điểm, khắc phụ hạn chế, khuyết điểm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trình bày Tờ trình Đề án

Về phạm vi, Đề án được thực hiện ở địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đối tượng điều chỉnh là các xã, thôn đặc biệt khó khăn; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm của Đề án là khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Về văn hóa xã hội, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề để nâng cao mặt bằng dân trí, đổi mới tư duy, khơi dạy sự sáng tạo, tự lực, tự cường vượt khó vươn lên; nâng cao chất lượng y tế, dân số; đẩy mạng sưu tầm và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc găn với phát triển du lịch. Đối với quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh quốc phòng vững chắc; bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Tăng cường vai trò của Bộ đội biên phòng gắn với xây dựng xã, thôn, bản vững mạnh.

Thẩm tra sơ bộ Đề án, Hội đồng Dân tộc đánh giá cao sự khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc trong quá trình chuẩn bị, xây dựng Đề án.

Về sự cần thiết xây dựng Đề án, Hội đồng Dân tộc cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Đề án như lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí, tầm quan trọng chiến lược về chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên hiện nay đây là vùng có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất. Do vậy cần phải đổi mới chính sách đầu tư cho vùng này bằng việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp

Hội đồng Dân tộc cũng cơ bản đồng tình với quan điểm thể hiện trong Đề án và đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc giai đoạn qua đã phù hợp với tình hình thực tiễn hay chưa và giai đoạn mới cần có sự đổi mới tư duy và nhận thức như thế nào về quan điểm, chủ trương về chính sách dân tộc cho phù hợp với bối cảnh mới.

Ngoài ra, một số ý kiến của thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị cần rà soát để có sự thống nhất và tách bạch về các số liệu và thông tin liên quan đến tình hình thực hiện ngân sách đầu tư cho vùng đông bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện lại Đề án theo hướng những vấn đề đã được chỉ ra tại phiên họp thẩm tra sơ bộ; Hội đồng Dân tộc tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để có một Đề án đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định trong Kỳ họp thứ 8 tới đây./.

Hồ Hương

Các bài viết khác