Sáng ngày 24/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với các Bộ ngành về chuyên đề “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chủ trì cuộc làm việc. Tham dự cuộc làm việc còn có các Phó Chủ tịch và Ủy viên của Hội đồng Dân tộc; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội.
Về phía các Bộ, ngành của Chính phủ có Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan; Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Hà Thu Giang và đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng một số chuyên gia.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan.
Tại cuộc làm việc, thay mặt Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm đẩy nhanh công tác triển khai các chính sách cho đồng bào vùng DTTS&MN cũng như đề xuất kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới thay thế các văn bản pháp luật, chính sách dân tộc có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống chính sách.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, chủ động nghiên cứu, đề xuất trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi; kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới thay thế các văn bản pháp luật, chính sách dân tộc có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống chính sách. Bên cạnh đó, Chính phủ tổ chức nghiên cứu để đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về lĩnh vực dân tộc vào thời điểm thích hợp, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 làm căn cứ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bảo đảm sớm triển khai Chương trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 08/02/2022, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các Bộ ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Về hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành kế hoạch chung về kiểm tra, giám sát cả 03 chương trình; tổ chức 01 hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai cả 2 chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Đề xuất đối với Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan mong Quốc hội xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện phương án xử lý các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, Quốc hội cần phân bổ nguồn lực đầy đủ đảm bảo cho công tác xây dựng pháp luật, đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng pháp luật; bố trí phân bổ đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc, trước hết là các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo chủ trương đầu tư được phê duyệt; chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nguồn lực giữa các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án trên địa bàn.
Toàn cảnh cuộc làm việc của Hội đồng Dân tộc làm việc với các Bộ ngành về chuyên đề “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”.
Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị quyết của Quốc hội và Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về chính sách dân tộc. Quyết định việc tổng rà soát đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực công tác dân tộc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát đối với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực pháp luật có liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và các nội dung của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nói riêng; tiếp tục quan tâm, thực hiện có hiệu quả hoạt động giải thích luật, pháp lệnh.
Đối với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động, tăng cường phối hợp, tham gia ý kiến xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo bắt đầu nghiên cứu, xây dựng chính sách. Chủ động tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc với các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc cũng cần tăng cường thẩm tra các nội dung dự án luật, dự án pháp lệnh, các dự án khác có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong cả 2 giai đoạn lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và giai đoạn xây dựng dự thảo luật, pháp lệnh bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các chính sách dân tộc với hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa giám sát việc thực hiện Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực dân tộc; giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở cả Trung ương và địa phương.
Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần nắm bắt kịp thời việc thực hiện các chính sách, pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước và những thông tin phản ánh của cử tri liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiến nghị kịp thời những khó khăn, vướng mắc đến cấp có thẩm quyền để xử lý, giải quyết; Tham gia tích cực, đóng góp ý kiến hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát việc thực thi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc tại các địa phương./.