Toàn cảnh Phiên họp mở rộng để thẩm tra Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ.
Đồng chủ trì Phiên họp có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành.
Tham dự phiên họp về phía Chính phủ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh;
Về phía Quốc hội có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, đại diện Đoàn ĐBQH các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ…
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, xuất phát từ thực tiễn đặt ra trong việc phân định miền núi, vùng cao, tại Kết luận phiên họp thứ 26 (tháng 8/2018) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và các cơ quan hữu quan thực hiện các nội dung về phân định miền núi, vùng cao.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp.
Trên cơ sở Tờ trình kèm theo Báo cáo tổng kết của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến để làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hồ sơ, tài liệu và tiến độ thực hiện của Chính phủ đã đầy đủ chưa để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra theo quy định và có đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 7/2022?
Thứ hai, nội dung Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện, bám sát, làm rõ được những yêu cầu cơ bản trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay chưa? Đặc biệt là: (1) tổng kết, đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao, cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác; (2) rà soát, sửa đổi các chính sách, pháp luật có liên quan đến miền núi, vùng cao, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các quy định trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; (3) nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ để thực hiện chính sách, pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ ba, thống nhất những kiến nghị, đề xuất đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục hoàn thiện công tác phân định miền núi, vùng cao trong giai đoạn tiếp theo.
Thay mặt Ủy ban Dân tộc, báo cáo tổng kết, đánh giá về phân định miền núi, vùng cao; phân định 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, đại diện Vụ Chính sách của Ủy ban Dân tộc cho biết, tiêu chuẩn công nhận miền núi, vùng cao là dựa vào độ cao của địa hình so với mực nước biển. Theo đó, cả nước có 12 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có miền núi, 168 huyện vùng cao, 133 huyện miền núi, 2.529 xã vùng cao và 2.311 xã miền núi.
Việc xác định các địa bàn miền núi, vùng cao đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, do quá trình phát triển, sự thay đổi về địa kinh tế, việc áp dụng các chính sách đối với các địa bàn đã được xác định miền núi, vùng cao trước đây không còn phù hợp. Đến nay, hầu hết các chính sách đã được các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung áp dụng kết quả phân định theo trình độ phát triển.
Đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết, qua 5 lần phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển cho thấy, về số lượng các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số tăng trong mỗi giai đoạn (tăng do chia tách, thành lập mới), song về tỷ lệ số đơn vị hành chính cấp xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi tgrong tổng số đơn vị hành chính cấp xã của các nước không tăng.
Trong các giai đoạn: 1996-2005; 2006-2022; 2012-2015 và 2016-2020 số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển tăng, trong đó tăng nhiều nhất giai đoạn 2006-2011 so với giai đoạn 1996-2005 (140 xã); giai đoạn 2011-2015 tăng so với giai đoạn 2006-2011 là 194 xã. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính.
Đại diện Uỷ ban Dân tộc báo cáo tổng kết, đánh giá về phân định miền núi, vùng cao; phân định 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.
Đề cập đến kết quả rà soát đơn vị hành chính cấp xã đã công nhận là miền núi, vùng cao nay đang thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025, đại diện Ủy ban Dân tộc nêu rõ, tổng số đơn vị hành chính cấp xã đã được công nhận là miền núi, vùng cao tính đến tháng 5/2022 còn 4.100 xã, trong đó có 2.904 xã được phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển, chiếm 70,1% đã được công nhận miền núi, vùng cao và chiếm 84,6% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các xã còn lại của vùng DTTS và MN không công nhận miền núi, vùng cao là các xã có trên 15% hộ DTTS thuộc các tỉnh Dồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và một số tỉnh lân cận (vùng đồng bằng, có dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng).
Rà soát cơ chế, chính sách áp dụng đối với miền núi, vùng cao; phân định theo trình độ phát triển làm cơ sở cho kiến nghị, sửa đổi các quy định pháp luật, đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết, từ năm 2006 đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tồn tại song song 2 loại phân định, tùy theo mục tiêu, nội dung, vấn đề chính sách cần giải quyết sẽ lựa chọn áp dụng kết quả phân định miền núi, vùng cao hay phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển. Song xu hướng chung là địa bàn miền núi, vùng cao, địa bàn đặc biệt khó khăn thường được ưu tiên hơn.
Đại diện Ủy ban Dân tộc nêu rõ, việc sử dụng song song 2 loại phân định tạo ra sự thiếu thống nhất trong tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thậm chí chưa phù hợp với thực tế, tạo ra sự không công bằng trong thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, trong hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng về các khái niệm, thuật ngữ dẫn đến thiếu thống nhất trong quản lý, hoạch định tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, Chính phủ kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cho tiếp tục xây dựng và ban hành Luật Dân tộc, rà soát hệ thống pháp luật có liên quan để điều chỉnh bổ sung nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc…
Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Triệu Văn Bình trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ về "Tổng kết, đánh giá phân định miền núi, vùng cao; phân định 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển".
Thẩm tra Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ về Tổng kết, đánh giá phân định miền núi, vùng cao; phân định 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc cho biết, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Kết luận, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ mới thực hiện được nội dung là “tổng kết, đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao, cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác.” Còn hai nội dung quan trọng trong Kết luận vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ phân tích rõ mối quan hệ giữa hai tiêu chí và kết quả phân định; phân tích những bất cập của các chính sách trong việc áp dụng hai hình thức phân định. Đồng thời đề nghị làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Kết luận của UBTVQH, chỉ rõ những nội dung nào trong kết luận đã thực hiện được, nội dung nào chưa, nguyên nhân tại sao. Vì như hiện nay, Báo cáo của Chính phủ mới thực hiện được 1/3 nội dung chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, Báo cáo cũng cần nêu và chỉ rõ việc áp dụng chính sách, pháp luật liên quan đến miền núi, vùng cao.
Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu đánh giá cao Báo cáo tổng kết của Chính phủ và dự thảo Báo cáo thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc về tổng kết, đánh giá phân định miền núi, vùng cao; phân định 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Góp ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị đề cương xây dựng báo cáo cần có sự phối hợp của Hội đồng Dân tộc ngay từ bước đầu, làm rõ bất cập trong quá trình thực hiện phân định 3 khu vực thời gian qua. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhận thấy, phân định 3 khu vực chủ yếu phục vụ triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, cần làm rõ hơn để thấy sự cần thiết. Cho rằng, vùng dân tộc thiểu số là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đã có tiêu chí để xác định, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, nếu tính theo tỷ lệ phần trăm thì dễ bỏ lọt đối tượng và có vùng không được quan tâm tới, đề nghị cần làm rõ nội dung này.
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Hoàng Đức Chính - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, Báo cáo của Chính phủ cơ bản chỉ ra được kết quả trong việc phân định các tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao và phân định theo trình độ phát triển. Đây là căn cứ quan trọng để giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao có cơ hội phát triển. Tuy Báo cáo nêu ra được nét chính nhưng đại biểu Hoàng Đức Chính cho rằng, các thông tin chưa đầy đủ, đặc biệt là hạn chế, bất cập theo vùng, theo trình độ phát triển.
Đại biểu Hoàng Đức Chính nêu rõ, nhận xét của Thường trực Hội đồng Dân tộc rất xác đáng, báo cáo của địa phương còn ít thông tin. Do đó, đề nghị Báo cáo, thông tin cần đánh giá kỹ hơn về bất cập, hạn chế của các chính sách tác động lớn đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời làm rõ thời gian tới, hai cơ chế phân định này tác động đến đầu tư cơ sở hạ tầng và sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào.
Ngoài cơ chế phân định theo vùng và theo trình độ phát triển, đại biểu Hoàng Đức Chính kiến nghị cần nghiên cứu, xem xét thêm ban hành cơ chế, chính sách tác động đến từng hộ gia đình, từng cá nhân chứ không theo địa bàn và có những cơ chế, tiêu chí rất cụ thể. Không phải người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao cũng có điều kiện kinh tế khó khăn, không phải người Kinh nào cũng có kinh tế khá giả. Do đó, đại biểu đề nghị cần tổng hợp các đối tượng trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo công bằng trong các chính sách.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, từ năm 1996, chúng ta đã thực hiện phân định 5 lần qua 5 giai đoạn. Báo cáo của Chính phủ mới chỉ nêu và đánh giá như vậy thì rất khó cho Thường trực Hội đồng Dân tộc thẩm tra báo cáo. Báo cáo tổng kết của Chính phủ chưa nhận định rõ những bất cập trong việc thực hiện tiêu chí phân định theo miền núi, vùng cao và phân định theo trình độ phát triển, chưa đánh giá rõ bất cập các chính sách cụ thể hỗ trợ việc phân định vùng. Do đó, đại biểu Hoàng Thị Đôi nhận thấy rất khó đề ra nội dung trong thời gian tới để rà soát, sửa đổi tiêu chí phân định hay rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách có liên quan.
Đại biểu nêu rõ, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, khó khăn trong việc xác định tiêu chí theo tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện sống chưa được tích hợp để chia 3 khu vực theo trình độ phát triển. Miền núi, vùng cao chưa phản ánh hết được điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, như vậy là chưa bao phủ và chưa toàn diện. Việc ban hành chính sách và thực hiện chính sách còn bất cập vì thực hiện theo 2 phân định như trên còn dàn trải, không đồng bộ.
Tán thành cao ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại biểu Hoàng Thị Đôi cho rằng cần đánh giá lại 2 hình thức, phân định đầy đủ hơn để có cơ sở sửa đổi, bổ sung tiêu chí phân định rõ ràng hơn, có tính khái quái hơn. Đại biểu nhấn mạnh, phân định tích hợp hay theo miền núi, vùng cao, theo trình độ phát triển để có thể sửa đổi tiêu chí phân định vùng, từ đó thấy được hạn chế, bất cập của các chính sách và đề xuất sửa đổi các chính sách đó.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm. Ủy ban Dân tộc cũng thừa nhận Báo cáo còn 2 nội dung quan trọng theo Kết luận của UBTVQH chưa được triển khai thực hiện gồm: rà soát, sửa đổi các chính sách, pháp luật có liên quan đến miền núi, vùng cao, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các quy định trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; nghiên cứu việc sừa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ để thực hiện chính sách, pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu nêu, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện Báo cáo tổng kết để gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc trình UBTVQH.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, theo Kết luận của UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ mới thực hiện được một nội dung. Còn hai nội dung quan trọng trong Kết luận vẫn chưa được triển khai thực hiện. Báo cáo tổng kết của Chính phủ còn chưa đầy đủ, chưa chỉ ra được bất cập trong các tiêu chí và việc thực hiện trên thực tiễn. Báo cáo cũng chưa cụ thể được mối tương quan phân định theo miền núi vùng cao, và phân định theo trình độ phát triển. Nội dung và hình thức của Báo cáo chưa làm rõ theo Kết luận của UBTVQH. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị nên có thêm thời gian để Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn các nội dung này để đảm bảo tính toàn diện, chặt chẽ, bao quát. Đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai đầy đủ các nội dung của UBTVQH. Hội đồng Dân tộc sẽ báo cáo với UBTVQH xin phép kéo dài thời gian trình nội dung này./.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đồng chủ trì Phiên họp.
Các đại biểu tham dự Phiên họp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị đề cương xây dựng báo cáo cần có sự phối hợp của Hội đồng Dân tộc ngay từ bước đầu, làm rõ bất cập trong quá trình thực hiện phân định 3 khu vực thời gian qua.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng, Báo cáo tổng kết của các địa phương thì có 10 tỉnh không phân định miền núi, vùng cao, số lượng thông tin ít nên rất khó cho việc đánh giá đầy đủ, sâu sắc, toàn diện theo kết luận của UBTVQH. Báo cáo cũng chưa phân tích được mối tương quan giữa 2 tiêu chí phân định.
Đại biểu Bế Trung Anh góp ý tại Phiên họp
Ngoài cơ chế phân định theo vùng và theo trình độ phát triển, đại biểu Hoàng Đức Chính - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình kiến nghị cần nghiên cứu, xem xét thêm ban hành cơ chế, chính sách tác động đến từng hộ gia đình, từng cá nhân chứ không theo địa bàn và có những cơ chế, tiêu chí rất cụ thể.
Tán thành cao ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Sơn La cho rằng cần đánh giá lại 2 hình thức phân định đầy đủ hơn để có cơ sở sửa đổi, bổ sung tiêu chí phân định rõ ràng hơn, có tính khái quái hơn, từ đó thấy được hạn chế, bất cập của các chính sách và đề xuất sửa đổi các chính sách đó.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tán thành kiến nghị của dự thảo Báo cáo thẩm tra là thêm thời gian nghiên cứu để giải quyết 3 nội dung đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung đóng góp ý kiến tại Phiên họp
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch tham gia thảo luận về nội dung này.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà đóng góp ý kiến tại Phiên họp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị nên có thêm thời gian để Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn các nội dung này để đảm bảo tính toàn diện, chặt chẽ, bao quát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.