Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với 04 Bộ về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

06/09/2024

Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023” làm việc với 4 Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BÌNH PHƯỚC

Toàn cảnh cuộc làm việc

Cùng dự có các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Bộ Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Mở đầu cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023” làm việc với 04 Bộ gồm: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính với mục tiêu xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan việc thể chế chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật, kết quả đạt được trong công tác cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của 04 Bộ và những bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Qua đó có căn cứ và cơ sở thực tiễn để kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục các tồn tại, hạn chế, kịp thời điều chỉnh, xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn và đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của chính sách, pháp luật đối với công tác cán bộ DTTS trong giai đoạn tiếp theo.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người DTTS

Qua giám sát sơ bộ của Đoàn giám sát, nhìn chung, công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS đã được các cấp các ngành, từ trung ương tới địa phương đã luôn quan tâm, hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo các chế độ, chính sách, quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công bằng, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ DTTS được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu mở đầu cuộc làm việc

Ở địa phương, nhiều tỉnh (nhất là khu vực miền núi phía Bắc) có tỷ lệ cán bộ, công chức viên chức là người DTTS đạt mức yêu cầu theo Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới của Thủ tướng Chính phủ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ được bộ, ngành và các địa phương quan tâm, có cơ cấu, tính đến nguồn cán bộ DTTS. Một số địa phương có thêm chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã vùng ĐBKK, cán bộ DTTS rất ít người.

Tuy nhiên, qua giám sát trực tiếp và xem xét các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, có thể thấy rằng công tác cán bộ DTTS còn một số vấn đề tồn tại cần được nghiên cứu, làm rõ và đưa ra phương án giải quyết, như: vấn đề thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội; vấn đề thực tiễn quy hoạch, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ DTTS trong các cơ quan nhà nước; vấn đề tuyển dụng, sử dụng, chính sách tạo nguồn công chức, viên chức DTTS…

“Một trong những mục tiêu quan trọng chủ yếu của Đoàn giám sát lần này là đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan những giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người DTTS, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của hệ thống chính trị và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế, trước mắt là công tác cán bộ nhiệm kỳ tiếp theo của cả hệ thống chính trị”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Để phiên làm việc đạt hiệu quả cao nhất, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu bám sát vào các nội dung cần làm rõ tại dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, trọng tâm là vấn đề tham mưu, trình Chính phủ ban hành và xây dựng, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của các Bộ; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ; và làm rõ kiến nghị, đề xuất của các Bộ.

Các thành viên Đoàn giám sát dự cuộc làm việc

Tại cuộc làm việc, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry - Phó Trưởng Đoàn giám sát báo cáo tóm tắt những nhận định, đánh giá chung về Báo cáo 04 Bộ, những kiến nghị của địa phương đối với các Bộ.

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Qua thảo luận, các ý kiến đánh giá cao trách nhiệm của các Bộ trong xây dựng báo cáo phục vụ giám sát, chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn giám sát. Công tác dân tộc tại 4 Bộ đã được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số (DTTS), tạo điều kiện cho công chức, viên chức người DTTS tiếp cận các chính sách ưu tiên nhằm phát huy năng lực, sở trường đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ công tác.

Nội dung các báo cáo đã cơ bản bám sát theo yêu cầu của đề cương Đoàn giám sát, các Bộ đã đánh giá kết quả thực hiện, bất cập, hạn chế và nguyên nhân trong công tác tham mưu cho Chính phủ, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng; đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong giai đoạn 2016 - 2023. Trọng tâm là đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao thực hiện tại Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 402).

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry -  Phó Trưởng Đoàn giám sát 

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ý kiến đề nghị Bộ đánh giá bổ sung về hiệu quả của công tác đào tạo cử tuyển trong giai đoạn hiện nay: kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để chính sách cử tuyển thực sự phát huy vai trò, ý nghĩa của chính sách trong công tác tạo nguồn cán bộ DTTS cho vùng đồng bào DTTS&MN, đồng thời  làm rõ trách nhiệm của địa phương trong việc đăng ký chỉ tiêu cử tuyển và trách nhiệm của Bộ trong việc xét, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển cho Ủy ban nhân dân các tỉnh trong giai đoạn trước đây, cũng như hiện nay.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ý kiến nhận thấy, nội dung báo cáo chưa thể hiện kết quả thực hiện của 2 nội dung, đó là: (1) Tổng hợp kết quả thẩm định vốn, bố trí vốn, hướng dẫn cơ chế tài chính, nhu cầu và kết quả bố trí, phân bổ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ người DTTS; (2) Tổng hợp nhu cầu và kết quả bố trí, phân bổ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ người DTTS (Số liệu báo cáo từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2023). Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung kết quả thực hiện 2 nội dung nêu trên (trong đó cần làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại hạn chế).

Đại diện các Bộ, ngành dự cuộc làm việc

Đối với Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội, các đại biểu cho rằng, Báo cáo của Bộ còn nêu chung chung, cần được tiếp tục bổ sung làm rõ để Đoàn giám sát có cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình triển khai và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS. Trong đó, cần bổ sung, đánh giá về công tác tạo nguồn cán bộ DTTS qua việc thực hiện chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên học các trường đào tạo nghề: Cao đẳng, trung cấp…Kết quả, tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho đối tượng cử tuyển và công tác bố trí, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nói chung sau khi tốt nghiệp các trường đào tạo nghề và học sinh, sinh viên cử tuyển nói riêng tại các địa phương… Đồng thời bổ sung đề xuất, kiến nghị cụ thể, tập trung vào việc khắc phục tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc để bảo đảm có các giải pháp hiệu quả nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời gian tới.

Đối với Bộ Tài chính, đề nghị Bộ báo cáo làm rõ, đánh giá về tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện cũng như giải pháp công tác đảm bảo kinh phí cho các Bộ ngành, địa phương để thực hiện Quyết định 402/QĐ-TTg trong thời gian tới.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng chủ yếu của Đoàn giám sát lần này là đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan những giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người DTTS

 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry - Phó Trưởng Đoàn giám sát báo cáo tóm tắt những nhận định, đánh giá chung về Báo cáo 04 Bộ

Các thành viên Đoàn giám sát dự cuộc làm việc

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch phát biểu tại cuộc làm việc

Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La 

 Đại diện các Bộ, ngành dự cuộc làm việc

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đóng góp ý kiến tại cuộc làm việc

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại diện các Bộ, ngành giải trình, làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận cuộc làm việc./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh