CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC HÀ NGỌC CHIẾN CHỦ TRÌ BUỔI LÀM VIỆC VỚI MỘT SỐ BỘ, NGÀNH

26/04/2018

Sáng 26/4, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức buổi làm việc với các bộ, ngành về nội dung giám sát chuyên đề “Tình hình triển khai, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010-2017”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì buổi làm việc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì buổi làm việc với một số bộ, ngành

Tham dự buổi làm việc có Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại diện Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Dầu tư cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu và một số bộ, ngành có liên quan.

Thay mặt Thường trực Hội đồng Dân tộc trình bày dự thảo Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010-2017, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho biết, trong những năm vừa qua, Chính phủ, các bộ ngành đã triển khai đầy đủ, kip thời các quy định của pháp luật về hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua ban hành các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện các chính sách như đào tạo cử tuyển, phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi, xây dựng các trường Phổ thông dân tộc nội trú, chế độ ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhà quản lý giáo dục làm việc ở khu vực có điều kiện  kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên về tín dụng học tập miễn giảm học phí. Các địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo đã có nhiều văn bản, nghị quyết cụ thể để vận dụng sát, đúng chủ trương chính sách và hoàn cảnh cụ thể của địa phương.. Các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã thúc đẩy phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ ở tất cả các ngành học, cấp học. Cụ thể: quy mô trường lớp, số lượng học sinh tăng nhanh, tỷ lệ huy động trẻ đến trường năm sau cao hơn năm trước, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục tăng cao, chính sách cử tuyển đã góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu trình bày dự thảo Báo cáo

Thêm vào đó, cơ sở vật chất trang thiết bị trường học tiếp tục đầu tư, bổ sung cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác chăm sóc, giáo dục, công tác dạy và học trong nhà trường và các cơ sở giáo dục các chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 61, Nghị định 19, Nghị định 116 của Chính phủ được triển khai trên địa bàn đã mang lại hiểu quả và tác động tích cực đối với công tác bố trí giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục góp phần giải quyết các khó khăn trong đời sống của giáo viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, dự thảo cũng chỉ ra rằng, đa số các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số là các tỉnh vùng cao, biên giới, địa bàn rộng, địa hình cắt, giao thông khó khăn là trở ngại lớn cho việc bố trí xây dựng trường lớp; nền kinh tế xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đều là một trong những nguyên nhân gây bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển cho địa bàn này; một số chính sách ban hành có hiệu lực trong thời gian ngắn, chưa có tính dự báo dài hạn và liên tục, có chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; nguồn lực ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa đáp ứng được nhu cầu, ngân sách đối ứng của địa phương gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu ý kiến

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với các nội dung của dự thảo Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010-2017 của Hội đồng Dân tộc; đánh giá báo cáo phản ánh tương đối toàn diện, sâu sắc, đầy đủ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn vừa qua. Kết quả đó đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cũng như phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị của cả nước nói chung và các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phát biểu

Các đại biểu tham dự cũng đồng tình với đề xuất về chính sách cử tuyển trong dự thảo Báo cáo, cụ thể: chính sách cử tuyển quy định về chế dộ đào tạo cử tuyển theo hướng nhằm mục đích nâng cao nhân lực có chất lượng cao cho vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc ít người đang chưa có cán bộ hoặc rất ít cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học. Nghiên cứu, xem xét tiêu chuẩn xét cử đi học cử tuyển đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp đối với học sinh theo hướng nâng cao chất lượng đầu vào; có cơ chế chặt chẽ xác định nhu cầu vị trí việc làm cho đối tượng được cử tuyển; bố trí việc làm cho sinh viên cử truyển sau khi ra trường đúng với vị trí việc làm được xác định trước khi đào tạo.

Các đại biểu cũng thống nhất với một số kiến nghị của Báo cáo, theo đó, Báo cáo đề nghị các địa phương căn cứ vào mục tiêu phát triển giáo dục trong từng giai đoạn, xác định các nội dung, dự án ưu tiên đầu tư đối với các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc. Cần xây dựng các giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp, lồng ghép các chương tình hỗ trợ của trung ương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thuộc khu vực; có biện pháp tích cực, quyết liệt trong triển khai thực hiện, đảm bảo chi đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng.

Chủ tịch Hội Đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến kết luận

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã thu được những thành quả quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cảm ơn những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu tham dự, Thường trực Hội đồng Dân tộc tiếp thu ý kiến; tiếp tục rà soát, xem xét và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể hơn nữa để hoàn thiện báo cáo; đảm bảo phản ánh được toàn diện và đầy đủ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010-2017.

Hồ Hương