Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, nhiều ý kiến khẳng định rõ quan điểm, Luật Dầu khí là Luật áp dụng chung chứ không chỉ dành riêng cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Hoạt động dầu khí là hoạt động có tính chất đặc thù. Trong quá trình triển khai các dự án dầu khí, trường hợp Luật Dầu khí chưa có quy định hoặc có quy định nhưng chưa bao trùm một số vấn đề thực tế, các chủ thể liên quan được yêu cầu thực hiện trên cơ sở tham chiếu các quy định tại các Luật khác. Tuy nhiên, các quy định tham chiếu đó thường không phù hợp với đặc thù của ngành nên rất khó để vận dụng và thực hiện. Dự thảo lần này đã tập trung rà soát các quy định về áp dụng Luật Dầu khí với các luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công,…., để đảm bảo thống nhất, cụ thể, khả thi, phù hợp thực tế và tính đặc thù của lĩnh vực dầu khí. Đặc biệt việc áp dụng Luật Đấu thầu và Luật Dầu khí trong lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí cũng được các đại biểu quan tâm và đề nghị cơ quan chịu tác động của Luật cho ý kiến.
Ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ch biết, Khi sửa Luật Đấu thầu cũng đã đặt vấn đề vì sao Dầu khí không phải theo Luật Dấu thầu? Ở đây, Dầu khí không chỉ là Tập đoàn Dầu khí mà còn cả các nhà đầu tư nước ngoài nữa. Thứ 2, các hàng hoá vật tư phục vụ hoạt động dầu khí thì rất khác, ví dụ như 1 mũi khoan kim cương chẳng hạn thì số nhà cung cấp rất ít, trên thế giới chỉ có vài nhà cung cấp. Nếu chúng ta đưa ra đấu thầu vì việc lựa chọn rất khó.
Cũng trong hội nghị, một số ý kiến cho rằng các hợp đồng dầu khí được ký kết theo lô dầu khí, khi chưa biết rõ tiềm năng, quy mô, trữ lượng. Giai đoạn tìm kiếm thăm dò chi phí lớn, rủi ro cao. Qua đó cũng đề nghị dự thảo Luật cân nhắc thêm một số ý kiến liên quan đến môi trường đầu tư nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư lớn như: Xem xét bổ sung mức thu hồi chi phí lớn hơn 80% cho một số trường hợp đặc biệt; Xem xét điều chỉnh thuế suất đối với thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp nhất là 20% như các lĩnh vực khác thay vì 25% như hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Công - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Theo ông Nguyễn Thành Công - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, về ưu đãi trong hoạt động dầu khí hoàn toàn nhất trí với tiêu chí xác định đói tượng và mức thuế ưu đãi, ưu đãi đặc biệt như dự thảo Luật để phù hợp thực tiễn. Đồng thời đề nghị nghiên cứu thêm hình thức cơ chế ưu đãi khác để thực sự bảo đảm tính cạnh tranh và đảm bảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Nhất là khi các quốc gia đang nghiên cứu áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu.
Các đại biểu còn thảo luận, làm rõ thêm các kiến nghị đã được đề xuất như hiệu chỉnh lại quy định về quyết toán chỉ áp dụng khi hoàn thành giai đoạn đầu tư của dự án dầu khí, không quy định quyết toán đối với chi phí của hợp đồng khi kết thúc dự án chung chung.
Ngoài ra, còn một số vấn đề thực tế phát sinh nhưng pháp luật dầu khí chưa có quy định điều chỉnh, hoặc quy định điều chỉnh chưa rõ ràng, chưa phù hợp cũng được đưa ra bàn thảo. Cụ thể như việc: Chưa có khung pháp lý phù hợp cho hoạt động tận thu khai thác dầu khí sau khi nhà thầu chuyển giao tài sản và hoạt động khai thác cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc chấm dứt sớm hợp đồng vì lý do kinh tế; Chưa có các điều kiện/cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư bổ sung nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR) hoặc hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ, cận biên; Các quy định pháp luật về khuyến khích đầu tư đối với các dự án dầu khí được ban hành từ 2005, đã có điều chỉnh bổ sung nhưng theo từng trường hợp cụ thể, không mang tính tổng thể trên cơ sở xác định và cập nhật các tiêu chí về mặt kỹ thuật, kinh tế và pháp lý…./.