ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT, NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ DÂN TỘC

11/04/2024

Sáng 11/4, tại Hội thảo “Xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật một số thuật ngữ (khái niệm) liên quan vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi” được tổ chức tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, đây là diễn đàn quan trọng để các đại biểu trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở khoa học, nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm, việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng DTTS&MN trong tình hình hiện nay, đồng thời định hướng cho việc xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc.

HỘI THẢO XÁC ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG TRONG HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT MỘT SỐ THUẬT NGỮ (KHÁI NIỆM) LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ PHÂN ĐỊNH VÙNG DTTS&MN

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm.

Về phía Quốc hội có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Về phía tỉnh Tuyên Quang có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các Sở, ban, ngành tỉnh Tuyên Quang.

Về phía các Bộ, ngành có: đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Đại diện lãnh đạo các tỉnh: Quảng Nam, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Ninh Thuận, Gia Lai…; cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, hoàn thiện chính sách dân tộc để thúc đẩy phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền của cả nước. Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc đã bao trùm toàn diện mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi, vùng khó khăn.

Từ sau Đại hội VI đến nay, Đảng đã ban hành hơn 90 văn bản liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong đó có các nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị khóa VI về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và Kết luận số 65 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác dân tộc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo

Bên cạnh những chính sách dân tộc quy định tại Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thông qua hơn 90 luật và hơn 50 nghị quyết liên quan đến chính sách dân tộc; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành hơn 640 văn bản có quy định về dân tộc, chính sách dân tộc. Hiện nay, theo kế hoạch công tác, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc cũng đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng một đạo luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Còn vướng mắc liên quan đến các thuật ngữ, khái niệm, tiêu chí trong lĩnh vực dân tộc và trong phân định các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Mặc dù khối lượng chính sách, pháp luật về dân tộc lớn, tương đối toàn diện, bao trùm các mặt của đời sống kinh tế - xã hội và đang liên tục được hoàn thiện theo yêu cầu của thực tiễn, tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, trong quá trình hoạch định chính sách, áp dụng pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước vẫn còn những vướng mắc nhất định liên quan đến các thuật ngữ, khái niệm, tiêu chí trong lĩnh vực dân tộc và trong phân định các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa; vùng biên giới, hải đảo...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, Hội thảo này là diễn đàn hết sức quan trọng để Hội đồng Dân tộc cũng như các cơ quan của Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở khoa học, nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm, việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình hiện nay, phục vụ công tác quản lý nhà nước và định hướng cho việc xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các đại biểu tham luận, thảo luận thẳng thắn, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hai nội dung chính sau:

Thứ nhất, cơ sở khoa học, tính thống nhất, nội hàm của các thuật ngữ, khái niệm trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đang được sử dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật và quản lý nhà nước về công tác dân tộc hiện nay.

Thứ hai, các tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa; vùng biên giới, hải đảo; và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân tộc còn hạn chế

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nêu rõ, Tuyên Quang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm 57,89% dân số toàn tỉnh), với 121/138 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do vậy, trong thời gian qua công tác dân tộc và các chính sách dân tộc luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào các dân tộc. Từ các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định về cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặc dù trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, ngoài các chính sách chung của Nhà nước nhưng Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, tỉnh luôn quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ về phát triển kinh tế, xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã dành nguồn vốn hơn 1.400 tỷ đồng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ban hành nhiều cơ chế, chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất sản xuất, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, khám chữa bệnh, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm phát biểu chào mừng Hội thảo

Từ thực tiễn triển khai các chính sách dân tộc ở địa phương, tỉnh Tuyên Quang nhận thấy bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân tộc vẫn còn hạn chế, khó khăn:

(1) Trong xây dựng và triển khai chính sách pháp luật về dân tộc còn thiếu quy định về quy trình xây dựng chính sách; chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp trong ban hành chế độ chính sách, thiếu nguồn lực thực thi, làm hạn chế hiệu quả của hệ thống chính sách pháp luật;

(2) Việc phân định vùng hiện nay đang tồn tại và áp dụng 2 bộ tiêu chí: Phân định miền núi, vùng cao và phân định theo trình độ phát triển, cần nghiên cứu tích hợp các tiêu chí xác định xã miền núi, vùng cao, tiêu chí phân định thôn khó khăn và thôn khu vực I,II,III thành một bộ tiêu chí thống nhất để thực hiện đồng bộ;

(3) Thuật ngữ về dân tộc, các chính sách pháp luật về dân tộc vừa đa dạng, vừa đặc thù… trong khi nhiều khái niệm, nội hàm chưa được thống nhất, đồng bộ, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, 54 dân tộc sinh sống đa dạng trải khắp vùng miền, những nơi khó khăn, vùng cao, vùng biên giới…, mỗi vùng đều có nét riêng, bản sắc riêng, rất đặc thù, trong khi thực tiễn chưa có chính sách pháp lý phân định rõ ràng để từ đó có những chính sách pháp luật phù hợp từng vùng, miền bảo đảm sát thực tế;

(4) Nghiên cứu cụ thế hóa Kết luận số 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị: ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số ít người.

Đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về dân tộc

Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nhận thấy, việc tổ chức Hội thảo "Xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật một số thuật ngữ (khái niệm) liên quan vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi" có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia đánh giá, trao đổi và làm rõ hơn các thuật ngữ, khái niệm, tiêu chí xác định, phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về dân tộc trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

“Đây cũng là cơ hội để tỉnh được học hỏi, tiếp thu nhằm xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương cũng như xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả hơn công tác dân tộc nói chung và các cơ chế, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số nói riêng”, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nêu rõ.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm tin tưởng rằng, kết quả của Hội thảo sẽ làm rõ thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thiện khung nghiên cứu xây dựng quy định pháp luật về dân tộc bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thiện xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận vào hai nội dung chính: (1) Cơ sở khoa học, tính thống nhất, nội hàm của các thuật ngữ, khái niệm trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đang được sử dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật và quản lý nhà nước về công tác dân tộc hiện nay.

(2) Các tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa; vùng biên giới, hải đảo; và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay.

Tiếp theo chương trình, chiều nay, Hội thảo tiếp tục trình bày tham luận, thảo luận về các nội dung nêu trên. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung Hội thảo.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, Hội thảo này là diễn đàn quan trọng để Hội đồng Dân tộc cũng như các cơ quan của Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở khoa học, nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm, việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình hiện nay cũng như định hướng cho việc xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành điều hành nội dung thảo luận.

PGS.TS Lâm Bá Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn trình bày về cơ sở khoa học, cơ sở chính trị, nội hàm và việc sử dụng các thuật ngữ (khái niệm) công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay - Những khuyến nghị, đề xuất.

PGS.TS Lê Ngọc Thắng - Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại trình bày cơ sở khoa học, nội hàm, tiêu chí các thuật ngữ (khái niệm) và việc sử dụng các thuật ngữ (khái niệm): vùng dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng miền núi, biên giới, hải đảo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay - Những khuyến nghị, đề xuất.

TS. Phạm Xuân Hoàng - Phó Giám đốc Học viện Dân tộc trình bày về một số khái niệm (thuật ngữ) vấn đề dân tộc, dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số ít người, dân tộc khó khăn đặc thù trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay - Những kiến nghị, đề xuất.

TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc trình bày cơ sở khoa học của việc phân loại và phân định vùng; miền núi, vùng cao và vùng dân tộc thiếu số và miền núi.

TS. Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập trình bày cơ sở khoa học, nội hàm, tiêu chí các thuật ngữ (khái niệm) của việc phân định vùng núi, vùng cao, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

PGS. TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ bàn về tính thống nhất, phù hợp trong các chính sách pháp luật quy định về tổ chức chính quyền địa phương và chế độ chính sách với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, liên quan đến phân định đối tượng áp dụng chính sách miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, ATK, CT29 cùng một số khuyến nghị, đề xuất.

Quang cảnh Hội thảo

Bàn Chủ tọa chủ trì Hội thảo

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chấu Văn Lâm và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Các đại biểu dự Hội thảo

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh cho rằng, Hội thảo này nhằm tìm thấy những phát sinh phức tạp trong công tác dân tộc để kiến nghị với Bộ Chính trị, hướng tới việc xây dựng một Luật về lĩnh vực dân tộc.

Đại diện tỉnh Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác