Những sự quan tâm này của Quốc hội và Chính phủ có phần đóng góp của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thông qua các đề xuất, kiến nghị sau các cuộc giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri. Để làm rõ hơn các đóng góp của năm qua cũng như các hoạt động năm tới nhằm nỗ lực để đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi không bị bỏ lại phía sau, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trả lời phỏng vấn của TRuyền hình Quốc hội Việt Nam
Phóng viên: Năm 2018 đánh dấu rất nhiều thành tựu trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thưa Chủ nhiệm, Chủ nhiệm có thể chia sẻ một số thành tựu nổi bật trong năm qua của Hội đồng Dân tộc?
Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Năm 2018 là một năm hoạt động của Hội đồng Dân tộc có nhiều đổi mới và thu được những kết quả đáng trân trọng. Tôi có thể nêu một số kết quả nổi bật. Ví dụ như việc chuẩn bị, tham gia phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, qua đó đã có được những kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm đổi mới đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Thứ 2 là qua hoạt động giám sát trong những năm qua, Hội đồng Dân tộc cũng đã kiến nghị và được Uỷ ban Thường vụ chấp nhận là sẽ giám sát chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012-2018 và đặc biệt là tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Hội đồng Dân tộc được phân công thẩm tra báo cáo 3 năm việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với miền núi, vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ. Qua thẩm tra, Hội đồng Dân tộc cũng đã có những kiến nghị và tại kỳ họp này Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết về việc giao cho Chính phủ sẽ xây dựng 1 đề án tổng thể về kinh tế xã hội vùng Dân tộc Thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2026.
Như vậy là hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong những năm qua có những điểm nhấn quan trọng như trên, tạo điều kiện sang năm 2019 triển khai thực hiện một số việc quan trọng về việc tiếp tục thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao hơn hiệu quả chất lượng cũng như đáp ứng được nguồn lực để thực hiện chính sách này.
Phóng viên: Năm 2018, lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Chủ trì thẩm tra Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Xin Chủ nhiệm cho biết công việc này mang những ý nghĩa như thế nào?
Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Đây là một điểm nhấn rất quan trọng, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc thực hiện chính sách dân tộc thiểu số miền núi, cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này tiếp tục khẳng định những thành tựu đã đạt được trong việc từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng miền núi vùng đặc biệt khó khăn, góp phần củng cố an ninh và phát triển kinh tế xã hội và nhất là công tác giảm nghèo. Và đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố và phát triển.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến
Phóng viên: So với các cơ quan khác của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc có những đặc thù riêng. Trong quá trình thẩm tra và đóng góp vào dự thảo Luật, các đại biểu phải nghiên cứu tác động đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số, vì vậy số lượng các Luật để cho ý kiến nhiều hơn và sâu hơn. Chủ nhiệm có thể chia sẻ thêm về những khó khăn này?
Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Cũng có những thuận lợi, nhưng tất nhiên cũng có những khó khăn vì thành viên của Hội đồng Dân tộc thì đa số đại biểu là người dân tộc thiểu số, nữ chiếm tỉ lệ trên 50%, trẻ chiếm tỉ lệ gần 50%, số các đồng chí công tác ở cơ sở kiêm nhiệm cũng chiếm tỉ lệ rất cao, số đại biểu tham gia đại biểu quốc hội lần đầu cũng chiếm tỉ lệ rất cao. Những đặc thù này cũng ảnh hưởng nhất định đến chất lượng hoạt động cũng như chất lượng tham gia góp ý các dự án Luật, Pháp lệnh của Hội đồng Dân tộc. Tuy nhiên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi cũng đã tăng cường phối hợp với ban công tác đại biểu và kể cả Hội đồng Dân tộc cũng có chủ trì tổ chức rất nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho các đại biểu cho nên cũng góp phần khắc phục những hạn chế này.
Phóng viên: Trong quá trình tiếp xúc cử tri, giám sát và khảo sát, các đại biểu thường phải đến những địa bàn vùng sâu vùng xa, tiếp xúc với cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số, có thể có cả những bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán. Các đại biểu trong Hội đồng Dân tộc cũng như cán bộ chuyên môn có cách thức nào để các cử tri dễ tiếp nhận thông tin hơn không, thưa Chủ nhiệm?
Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Trong Hội đồng Dân tộc thì có đại diện của các dân tộc nên khi trực tiếp ở bản nào của vùng dân tộc nào thì chúng tôi sẽ bố trí những đồng chí trong đoàn ở các địa bàn đó, dân tộc đó hoặc là những dân tộc mà cũng hiểu biết được ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân tộc đó. Cho nên đây cũng rất là thuận lợi, việc ngôn ngữ bất đồng và khác biệt về văn hoá không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc. Quan trọng là chọn đúng chủ đề, chọn đúng vấn đề bức xúc, những vấn đề mà cử tri, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc có nhiều kiến nghị để tập trung giám sát, khảo sát những chuyên đề cần phải đánh giá.
Thứ 2 là tổ chức có bài bản và huy động được đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, phối hợp chặt chẽ với các Uỷ ban và việc chuẩn bị phải có thời gian để các đối tượng chịu sự giám sát, các bộ ngành, các địa phương có sự chuẩn bị chặt chẽ từ đề cương, kế hoạch, cho nên kết quả cũng có kết quả.
Phóng viên: Các đại biểu của Hội đồng Dân tộc đại diện cho các cử tri ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa. Vậy liệu các ý kiến của cử tri có được tiếp thu và chuyển đến Quốc hội tương đối đầy đủ không thưa Chủ nhiệm?
Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Hội đồng Dân tộc đã đi đến địa phương thì ít nhất là xuống đến huyện, thường xuyên cũng phải xuống đến xóm, xã, đến làng bản của đồng bào... cho nên những thuận lợi là gần dân và hiểu dân thì cũng dễ được bà con thông cảm và chia sẻ.
Trước hoặc sau mỗi kỳ họp, tất cả 63 đoàn đại biểu Quốc hội đều có tiếp xúc cử tri và các đoàn cũng đều tính đến việc tiếp xúc làm sao có được đại diện các tầng lớp, các dân tộc. Đó là thuận lợi về việc ghi nhận tiếp thu ý kiến của cử tri là người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa. Riêng Hội đồng Dân tộc thì cũng có các đại diện, các thành viên ở các đoàn đại biểu cũng gần như là ở các tỉnh miền núi, biên giới, ở các vùng dân tộc thiểu số nên cũng nghĩ rằng cơ bản ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, của cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số... qua đó đã được tập hợp và kiến nghị phản ánh với Hội đồng nhân dân các cấp và với cả Quốc hội.
Phóng viên: Mặc dù đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Sắp tới, Hội đồng Dân tộc sẽ có những hoạt động như thế nào để góp phần phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, các dân tộc khác nhau, thưa Chủ nhiệm?
Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Năm 2019, chúng tôi tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Ví dụ như là sẽ phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và các ngành chức năng rà soát lại hệ thống chính sách đối với vùng dân tộc miền núi, gần như mang tính tổng kết. Từ đó đề xuất, kiến nghị để tích hợp các chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, khắc phục những tồn tại hạn chế như là dàn trải, phân tán hoặc bố trí nguồn lực chưa được tập trung, chưa kịp thời.
Thứ 2 là phối hợp để rà soát việc phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi theo trình độ phát triển và miền núi vùng cao để có bộ tiêu chí phân định khách quan, khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách.
Thứ ba nữa là tập trung triển khai việc giám sát chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 và một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa là xây dựng và hoàn thiện đề án thực hiện khoản 5, điều 70 Hiến pháp 2013 là Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước. Trong khi chưa ban hành được Luật về lĩnh vực dân tộc thì việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về Đề án tổng thể phát triển vùng Dân tộc thiểu số và miền núi cũng là 1 bước để thực hiện khoản 5, điều 70, Hiến pháp 2013
Thứ 4, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các Uỷ ban của Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện việc phân bổ ngân sách để thực hiện các chính sách đối với miền núi, đối với vùng dân tộc thiểu số, đối với đồng bào dân tộc thiểu số 2016-2020.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt Ban Biên tập, kính chúc Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và gia đình sức khoẻ, hạnh phúc, thành công; chúc Hội đồng Dân tộc hoàn thành tốt nhiệm vụ 2019!