Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại phiên họp
Cho ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các thành viên Hội đồng Dân tộc thống nhất với đề xuất của Chính phủ cần mở rộng phạm vi sửa đổi Luật Đầu tư công và lấy tên là Luật Đầu tư công (sửa đổi), nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công… Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ sửa đổi một số vấn đề và lấy tên là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Về đối tượng và phân loại dự án đầu tư công tại điều 5 và điều 6, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung đối tượng cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ và hỗ trợ các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ là các dự án đầu tư công, đặc biệt cân nhắc việc hỗ trợ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Về việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, có ý kiến cho rằng không tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Trường hợp cần thiết đối với dự án đầu tư công cụ thể thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hội đồng Dân tộc cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia
Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các thành viên Hội đồng Dân tộc nhất trí cao với sự cần thiết ban hành luật. Một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về quan điểm khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất rượu bia. Quan điểm này liệu có phù hợp khi chúng ta đang muốn giảm tiêu thụ rượu bia.
Về tổ chức quản lý vốn đầu tư công, một số ý kiến đề nghị tập trung quản lý vốn đầu tư công về một đầu mối cùng với ngân sách nhà nước. Cũng có ý kiến đề nghị đối với dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn hỗn hợp thuộc nhiều cấp ngân sách khác nhau nên quy định theo hướng dự án thuộc quyền quản lý của cấp nào thì cấp đó quyết định.
Liên quan đến vấn đề sản xuất, kinh doanh rượu bia, ý kiến thành viên Hội đồng Dân tộc phân tích, sản xuất, kinh doanh rượu, bia cũng là một ngành nghề, mang lại thu nhập cho người dân, nhất là ở đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hiện nay có thực tế là công tác quản lý rượu, bia chưa thực sự chặt chẽ. Có trường hợp, rượu, bia tuy được dán nhãn mác, được công nhận thương hiệu nhưng vẫn xảy ra tình trạng ngộ độc rượu, bia. Trong khi đó, người dân có xu hướng tự truyền tai, tìm đến nhà dân, nơi người dân tự sản xuất, dù chưa được công nhận thương hiệu, chưa được cấp giấy phép.... vấn đề này, dự án Luật sẽ xử lý thế nào? Dự án Luật giao cần quy định rõ ngành nào cấp giấy phép kinh doanh rượu bia ở cơ sở và trách nhiệm của người cấp giấy phép như thế nào? Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định nêu gương của cán bộ, công chức trong phòng, chống tác hại rượu, bia./.