PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 12 CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

10/11/2020

Thực hiện chương trình hoạt động năm 2020, chiều 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Hội đồng tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 12.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng Dân tộc nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV; thông tin kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 – 2020”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết: Trong nhiệm kỳ khóa XIV (từ năm 2016 – 2021), Hội đồng Dân tộc đã thẩm tra 60 dự án luật, pháp lệnh; tham gia ý kiến cho 14 văn bản ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính Phủ; 7 chuyên đề giám sát, 4 chuyên đề khảo sát, 2 giải trình, 19 báo cáo cùng một số nhiệm vụ khác là kết quả nhiệm vụ hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ XIV. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, trên  cơ sở tham mưu của Hội đồng Dân tộc, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội đã ban hành 02 Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là minh chứng khẳng định thành công của Hội đồng Dân tộc khóa XIV.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại Phiên họp.

Có thể thấy 5 năm vừa qua, Hội đồng dân tộc đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, hiệu quả ngày càng được nâng cao, như: Hoạt động lập pháp đạt được kết quả nổi bật, chất lượng tham gia thẩm tra các dự án luật được nâng cao; hoạt động giám sát được tăng cường, có trọng điểm, trọng tâm, dân chủ, thẳng thắn tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số; cùng với đấy là đẩy mạnh đào tạo nâng cao nguồn nhân lực và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Để đạt được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Phó Chủ tịch Quốc hội theo dõi lĩnh vực dân tộc… Ngoài ra, Hội đồng Dân tộc luôn chủ động chú trọng phát huy trí tuệ của tập thể; huy động đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học; lắng nghe ý kiến của cử tri, gần dân; nắm bắt phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế, các hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, tranh thủ trí tuệ, kinh nghiệm của các cộng tác viên, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ lão thành, tạo ra nhiều kênh thông tin cần thiết, hữu ích. Điều này góp phần vào việc sửa đổi, bổ sung các dự án luật sát với thực tiễn và những tác động đến đời sống xã hội. 

Cũng tại Phiên họp, Phó Chủ tịch  Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được thì các hoạt động của Hội đồng Dân tộc vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác tham gia thẩm tra và tham gia ý kiến vào các dự án Luật, pháp lệnh tuy đã được đổi mới, nâng cao hiệu quả phương pháp trong triển khai thực hiện nhưng còn phụ thuộc vào tài liệu của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, thời gian gửi tài liệu đến Hội đồng Dân tộc chưa kịp thời dẫn đến việc thành viên Hội đồng Dân tộc có ít thời gian, thông tin để nghiên cứu đưa các nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc vào các dự án luật.

Hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ qua đã bám sát vào những vấn đề thực tiễn của sự phát triển đất nước nhưng chủ yếu mới tập trung vào một số lĩnh vực về phát triển kinh tế còn về lĩnh vực xã hội thực hiện chưa được nhiều; công tác tham gia xây dựng và giám sát văn quy phạm pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri còn hạn chế; Việc theo dõi, đôn đốc Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các kiến nghị giám sát chưa thường xuyên và theo dõi đến cùng. Việc nắm bắt tình hình, thăm hỏi động viên đồng bào bị thiên tai, bão lũ vùng đồng bào dân tộc thiểu số có lúc chưa kịp thời do thiếu nguồn lực hỗ trợ. Việc tổ chức các phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc có lúc chưa được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Một số hoạt động của Hội đồng Dân tộc chưa có sự tham gia đầy đủ của các thành viên làm ảnh hưởng đến nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc.

Kế thừa những kết quả đã đạt được, từ những hạn chế yếu kém và kinh nghiệm được rút ra, từ thực tiễn tổ chức và hoạt động trong nhiệm kỳ này, để góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời gian tới, Hội đồng Dân tộc đề xuất, kiến nghị một số vấn đề:

Về xây dựng pháp luật, Hội đồng Dân tộc đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiên quyết không đưa vào chương trình làm việc đối với dự án, dự thảo luật không đáp ứng quy định về hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ để thẩm tra, tham gia thẩm tra theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường phối hợp trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật. Hội đồng Dân tộc kiến nghị Chính phủ đảm bảo chất lượng và thời gian đối với đề xuất xây dựng luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc; đồng thời sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về nguyên tắc lồng ghép vấn đề dân tộc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong các dự án luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó là kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết phải tuân thủ đầy đủ về hồ sơ và thời gian theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách đối với người dân tộc thiểu số trong các luật, văn bản dưới luật, các chương trình mục tiêu, đề án…nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của các chính sách đối với người dân tộc thiểu số nói chung và các nhóm đối tượng cụ thể nói riêng (như trẻ em, phụ nữ, thanh niên…là người dân tộc thiểu số), tránh việc ban hành các quy định chồng chéo, trùng lắp hoặc không bảo đảm tính khả thi.


Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Hội đồng Dân tộc.

Về giám sát, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hoà, phối hợp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, coi hoạt động giám sát là một bộ phận quan trọng hữu cơ của hoạt động lập pháp. Các hoạt động giám sát cần được tiến hành thường xuyên, khoa học, hiệu quả, bám sát đến cùng, tránh hình thức, chồng chéo.

Mặt khác, cần có chế tài cụ thể đối với  các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Quy định rõ hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát nhằm ràng buộc đối tượng được giám sát phải khắc phục sai sót, khuyết điểm và phải trả lời bằng văn bản những vấn đề mà chủ thể giám sát yêu cầu. Cần tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình và cách thức tiến hành hoạt động giám sát; tăng cường giám sát tối cao; Tăng cường hoạt động giải trình, các phiên chất vấn thảo luận có truyền hình trực tiếp tại các diễn đàn Quốc hội.        

Về quyết định các vấn đề quan trọng, cần xây dựng và thực hiện một quy trình đồng bộ cho việc quyết định các vấn đề quan trọng từ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, đối nội, đối ngoại... Xây dựng các Nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng quốc gia theo hướng quy phạm hóa, lượng hóa các quyết định để nâng cao giá trị và tính ràng buộc pháp lý của các Nghị quyết.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu nhất trí cho rằng, nhiệm kỳ Khóa XIV, Hội đồng Dân tộc đã kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của các khóa trước, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, có nhiều đổi mới trong hoạt động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động lập pháp đạt được kết quả nổi bật, chất lượng tham gia thẩm tra các dự án luật được nâng cao, hoạt động giám sát được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, dân chủ, thẳng thắn, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã đạt được kết quả đáng trân trọng, trên cơ sở tham mưu của Hội đồng Dân tộc, Quốc hội đã ban hành 2 Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030 là minh chứng khẳng định thành công của Hội đồng Dân tộc khóa XIV. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc như công tác tham gia xây dựng, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri còn hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các kiến nghị giám sát còn chưa thường xuyên. Các đại biểu cũng đã đề xuất và kiến nghị giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.


Đại biểu Y Khút Niê - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu ý kiến.

Đóng góp ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Y Khút Niê - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong qua. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì Hội đồng còn một số tồn tại nên có sự thay đổi để nâng cao hoạt động đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, sắp tới, Hội đồng Dân tộc cần có kiến nghị tăng số lượng thành phần dân tộc thiểu số, đại diện cho các dân tộc Việt Nam phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là đề xuất tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, có kinh nghiệm hoạt động từ cơ sở. Thành phần lựa chọn đại biểu Quốc hội phải có sự góp ý, đề xuất của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc để chất lượng hoạt động của đại biểu được hiệu quả hơn.

Phát biểu Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá cao sự tham gia và ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với hoạt động củ Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng như tiếp thu, lĩnh hội những ý kiến đó để hoạt động của Hội đồng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới./.

Bích Lan-Minh Thành