Tham dự Phiên họp còn có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cùng các thành viên của Hội đồng.
Đề cập kết quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc khóa XIV, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra và cho ý kiến 60 dự án luật; tổ chức 11 hội thảo, tham vấn ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người có nhiều kinh nghiệm về công tác lập pháp và lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc phục vụ thẩm tra các dự án luật. Nhiều ý kiến đã được tiếp thu, bổ sung trong các dự án luật, nhất là các luật liên quan trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), như: Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động, Luật Giáo dục, Luật đầu tư... Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã bổ sung khoản 1 Điều 68a, quy định Hội đồng Dân tộc thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc đã tham gia ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất của Hội đồng Dân tộc đã được nghiên cứu, tiếp thu.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề cập kết quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc khóa XIV và dự kiến nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ khóa XV.
Đối với hoạt động giám sát, khảo sát và giải trình, Hội đồng Dân tộc lựa chọn những vấn đề bức xúc đối với đời sống, kinh tế - xã hội của vùng DTTS&MN để tiến hành giám sát. Nhiệm kỳ XIV, đã tiến hành 06 cuộc giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, 01 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Hội đồng Dân tộc chủ trì; tổ chức 04 cuộc khảo sát và 02 phiên giải trình. Qua giám sát, khảo sát, giải trình, Hội đồng Dân tộc đã có 112 kiến nghị, trong đó nhiều kiến nghị đã được Quốc hội đưa vào nghị quyết, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi trong các chính sách cụ thể như: Chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng DTTS&MN; Nghị định số 34 về chế độ cử tuyên; Chính sách về khoa học đối với vùng DTTS&MN; Nghị định số 116 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Chính sách hỗ trợ di dân tái định cư...
Về hoạt động tham mưu quyết định những vấn đề quan trọng, Hội đồng Dân tộc đã chủ trì, tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội; dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước; phương án phân bổ dự toán ngân sách trung ương đối với vùng DTTS&MN hằng năm và giai đoạn 5 năm. Đặc biệt, từ việc theo dõi, giám sát, đánh giá chính sách dân tộc, Hội đồng Dân tộc đã tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2016 - 2018. Từ Báo cáo thẩm tra, Hội đồng Dân tộc kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về chính sách dân tộc mang tính tổng thể, toàn diện để phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030.
Việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia đã thể chế hóa quy định tại khoản 5, Điều 70 Hiến pháp 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước. Đây là quyết định mang tính lịch sử, lần đầu tiên Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc, cũng là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra. Đây là căn cứ để Nhà nước tăng cường đầu tư cho vùng DTTS&MN, tạo điều kiện để vùng này phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển cùng đất nước..
Về Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức 04 đoàn công tác đi nghiên cứu, trao đổi tại một số nước; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc tham gia một số Đoàn của lãnh đạo Quốc hội đi thăm, làm việc, dự một số sự kiện ngoại giao nghị viện quan trọng (APPF-26, AIPA 41...). Tổ chức đón một số đoàn thăm và làm việc tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với Trưởng các cơ quan đại diện nước ngoài, các Đại sứ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Phối hợp với Hội đồng Anh, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Ai Len. UNICEF tại Việt Nam tổ chức các hội thảo, hội nghị, nghiên cứu chuyên đề liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Một số hoạt động quan trọng khác, Hội đồng Dân tộc đã chủ trì xây dựng Đề án thực hiện khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”, theo sự chỉ đạo và phân công của Đảng đoàn Quốc hội và thực hiện 03 đề tài khoa học cấp Bộ. Xây dựng Báo cáo “Đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2011 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025”, theo phân công của Tiểu ban Kinh tế - xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ký kết Quy chế phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, góp phần tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị, giúp thực hiện có hiệu quả hơn CSDT trên địa bàn vùng DTTS&MN.
Đón tiếp các đoàn già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các địa phương về thăm Hà Nội. Thăm hỏi các đơn vị lực lượng vũ trang, đồng bào khu vực biên giới, gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết; thăm hỏi đồng bào bị thiên tai, bão lũ... Tổ chức 5 khóa tập huấn cho đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kỹ năng, kiến thức hoạt động lập pháp, giám sát, chất vấn... Để phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc bầu cử; tổ chức 02 hội nghị tập huấn về kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên là người DTTS.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng cho biết, trong nhiệm kỳ khóa XV, Hội đồng Dân tộc tiếp tục đổi mới, thực hiện có hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội; chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra trong quá trình xây dựng, thẩm tra các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết. Chủ trì, thực hiện thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các chính sách, pháp luật theo quy định tại Điều 68a, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật..
Trên cơ sở Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vùng DTTS&MN, kịp thời kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình mới; nghiên cứu, tham gia ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan đến vùng DTTS&MN.
Về công tác giám sát, khảo sát, Hội đồng Dân tộc chủ động thực hiện và tham mưu, đề xuất để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, khảo sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 của Quốc hội. Lựa chọn những vấn đề bức xúc được nhiều cử tri vùng DTTS&MN quan tâm để tiến hành giám sát, khảo sát, giải trình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đối với công tác quan trọng khác, Hội đồng Dân tộc đề xuất nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực Dân tộc để thể chế hóa chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc. Xây dựng, ban hành tiêu chí phân định xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao làm cơ sở phân bổ nguồn lực và thực hiện chính sách. Xây dựng Đề án chiến lược công tác cán bộ người dân tộc thiểu số. Thực hiện các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng Dân tộc đã đánh giá cao những nỗ lực, thành quả đạt được của Hội đồng trong nhiệm kỳ khóa XIV. Đây là động lực rất lớn để các thành viên khóa XV tiếp tục phát huy và phấn đấu đưa các hoạt động của Hội đồng Dân tộc ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.
Các thành viên Hội đồng Dân tộc khóa XV cũng bày tỏ mong muốn phát huy trí tuệ, sự sáng tạo của mình để thực hiện các chính sách, nghị quyết về dân tộc thiểu số và miền núi thực sự hiệu quả, đến đúng vùng miền, đối tượng được thụ hưởng; phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế để đưa vùng DTTS&MN ngày càng phát triển.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa 15. Mong đồng chí tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả Hội đồng Dân tộc do đồng chí Hà Ngọc Chiến làm Chủ tịch đã đạt được để có bước phát triển mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chúc mừng đồng chí Hà Ngọc Chiến đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao về những cống hiến của đồng chí. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng mong đồng chí Hà Ngọc Chiến luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, trong điều kiện cho phép mong đồng chí tiếp tục quan tâm, dìu dắt, ùng hộ giúp đỡ các đồng chí trong Hội đồng dân tộc để tiếp tục có bước phát triển mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chúc mừng các đồng chí được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc và các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa 15 nhiệm kỳ 2021-2026.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn vui mừng, tin tưởng và hy vọng khi được biết Thường trực Hội đồng Dân tộc gồm 45 đồng chí. So với khóa trước, giảm 2 thành viên, nhưng các thành viên lại đến từ 36 tỉnh, thành phố, đại diện cho 24 dân tộc; có 4 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (3 Ủy viên chính thức và 1 Ủy viên dự khuyết). Một điểm đáng chú ý, thành viên Hội đồng Dân tộc khóa XV có 10 đại biểu có học vị Tiến sĩ và 21 Thạc sĩ.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong bối cảnh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta. Đặc biệt đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ, nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Nhìn vào dự kiến bước đầu Chương trình hoạt động toàn Khóa; Chương trình giám sát, khảo sát, khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung cần thiết, cơ bản, quan trọng. Với tinh thần đó, theo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc tại Luật Tổ chức Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa 15 quan tâm một số vấn đề.
Thứ nhất, đối với các dự thảo: Chương trình hoạt động toàn khóa, giám sát, khảo sát; Nghị quyết, Kế hoạch, Đề cương giám sát “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2016-2020” cần phải được tập thể Hội đồng Dân tộc trao đổi, thảo luận, thống nhất trên cơ sở trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong cách làm, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, song vẫn đáp ứng được hiệu quả, tiến độ, chất lượng.
Thứ hai, các nội dung xây dựng pháp luật; giám sát, khảo sát; các nhiệm vụ trọng tâm khác cần có kế hoạch cụ thể, rõ về nội dung, rõ về tiến độ triển khai. Trong đó, ưu tiên việc lựa chọn những vấn đề bức xúc được nhiều cử tri và Nhân dân vùng Dân tộc thiểu số miền núi đặc biệt quan tâm, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến còn nhiều phức tạp, cần có cách làm phù hợp, không làm khó cho địa phương, cơ sở - đối tượng được giám sát, khảo sát.
Thứ ba, chủ động sớm trong việc chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc Khóa 15, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp; điều kiện bảo đảm; rà soát những hạn chế của Quy chế từ khóa trước (nếu có) để có bước đột phá trong Quy chế lần này, tinh thần là kế thừa, nhưng có đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng tại khóa này.
Thứ tư, trong hoạt động của mình, đề nghị Hội đồng dân tộc nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức có liên quan, tăng cường cơ chế trao đổi năm bắt thông tin thông suốt. Đặc biệt chú trọng quan hệ chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân, phát huy phương thức phối hợp rất hiệu quả với các Ủy ban của Quốc hội
Thứ năm, Hội đồng phải là một tập thể đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh: Sau một thời gian làm việc, khẩn trương và nghiêm túc, phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội đồng Dân tộc khóa XV đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung đã đề ra. Tại Phiên họp này, các thành viên Hội đồng Dân tộc đã nghe báo cáo đánh giá những kết quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc khóa XIV phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và cả nhiệm kỳ khóa XV. Đồng thời, các thành viên Hội đồng Dân tộc đã sơ bộ tiếp cận, thảo luận về những nội dung: Dự thảo nghị quyết, kế hoạch, đề cương giám sát “Việc ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2026”; Dự thảo Chương trình hoạt động toàn khóa của Hội đồng Dân tộc; Dự kiến thành lập các Tiểu ban của Hội đồng Dân tộc; Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc khóa XV.
Để có cơ sở đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đồng chí đại biểu thành viên Hội đồng Dân tộc, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến đóng góp vào những nội dung trên. Những chính kiến, quan điểm của các vị đại biểu, Thường trực Hội đồng Dân tộc sẽ nghiêm túc tiếp thu, thảo luận và hoàn thiện để ban hành trong phiên họp toàn thể lần tới.
Thay mặt Thường trực Hội đồng Dân tộc khóa XV, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trân trọng cảm ơn đồng chí Hà Ngọc Chiến, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XIV, các đồng chí Thường trực Hội đồng Dân tộc khóa XIV đã rất trách nhiệm chuẩn bị tốt các nội dung cho phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội đồng Dân tộc khóa XV thành công tốt đẹp. Hội đồng Dân tộc khóa XV mong muốn đồng chí Hà Ngọc Chiến, đồng chí Giàng A Chu với bề dày kinh nghiệm trong công tác dân tộc, tiếp tục quan tâm dành tình cảm, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp trí tuệ, đồng hành cùng Hội đồng Dân tộc trong một nhiệm kỳ mới mạnh mẽ khẳng định và có nhiều thành công./.