HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI: NỖ LỰC ĐƯA CHÍNH SÁCH DÂN TỘC VÀO CUỘC SỐNG

14/02/2018

Cùng với hoạt động đổi mới của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc cũng đang từng bước đổi mới toàn diện và triệt để nhằm thực hiện tốt vai trò chức năng giám sát, tham mưu, hoạch định… các chính sách liên quan đến vấn đề dân tộc, đáp ứng yêu cầu thực tế. Năm 2017, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã đổi mới, cải tiến về hình thức nghiên cứu, tham gia ý kiến, phối hợp thẩm tra các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết. Công tác giám sát, khảo sát được triển khai một cách khoa học, bài bản, đạt hiệu quả rõ nét.

Hiệu ứng từ các chuyên đề giám sát

Năm 2017, Hội đồng Dân tộc đã chọn và thực hiện chuyên đề giám sát “Thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016”. Việc thực hiện chuyên đề đã góp phần đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Quốc hội về các giải pháp tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển rừng, giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số sử dụng có hiệu quả. Đồng thời kiến nghị các nội dung sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Luật Lâm nghiệp đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu

Chuyên đề giám sát đã tạo hiệu ứng tích cực và tạo tiền đề quan trọng để người dân ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững. Khi rừng được giao cho bà con quản lý, công tác bảo vệ rừng được bà con quan tâm hơn, rừng được phát triển tốt hơn. Từ đó, giúp Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có và phát huy sử dụng tối đa lợi thế của rừng, tiềm năng lao động của địa phương; bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng để ngăn chặn vấn đề đặt ra rất cấp thiết hiện nay đó là nạn phá rừng làm nương rẫy hoặc lấy đất sản xuất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trao đổi với người dân địa phương

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, cho biết: “Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc đã góp ý kiến để sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng và ban hành Luật Lâm nghiệp, đồng thời đề xuất kiến nghị công nhận cộng đồng dân cư là chủ lực. Thực tế giám sát cho thấy, cộng đồng dân cư bảo vệ rừng rất tốt, khi được giao rừng thì các cộng đồng dân cư xóm, bản, buôn làng, tổ dân phố và các điểm dân cư quy định, quy ước bảo vệ tốt. Do đó, Hội đồng dân tộc đề nghị đưa cộng đồng dân cư là chủ lực, được hưởng cái chính sách như chủ lực...”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị các địa phương và Chính phủ cần phải bố trí ngân sách để thực hiện việc giao đất, giao rừng cho người dân, cho hộ gia đình, cho địa bàn dân cư ở địa bàn dân tộc miền núi và dân tộc thiểu số. Vì hiện nay có diện tích rừng rất là lớn chưa được giao cho dân. Mặc dù họ được giao đất, nhưng chưa được giao rừng, vì vậy phải gắn việc giao đất với giao rừng. Bên cạnh đó, một phần lớn diện tích đất hiện nay giao cho các xã quản lý, cần phải tăng cường việc giao cho người dân trong cộng đồng dân cư, để ngươi dân gắn bó với rừng, thực sự sống được với rừng.  

   

Chuyên đề giám sát của Hội đồng Dân tộc được thực hiện triển khai bài bản, tuân thủ sự phân công, điều hòa, phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ những khảo sát thực tế, các cuộc hội thảo chuyên sâu và phối hợp chặt chẽ với địa phương, chuyên đề đã khái quát thực trạng, đi sâu vào phân tích nguyên nhân của nhiều vấn đề bất cập trong thực hiện giao đất, giao rừng ở địa phương. Nhiều vấn đề đã được Hội đồng Dân tộc kiến nghị Quốc hội để có điều chỉnh như cần tăng mức thu phí đối với các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng để tăng thu nhập cho người dân và phân bổ hợp lý tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho các địa phương ở các khu vực lưu vực sông.

"Để không ai bị bỏ lại phía sau" là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt khó khăn là ưu tiên trong các chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, Hội đồng Dân tộc đã và đang nỗ lực và quyết tâm cao để đưa chính sách của Nhà nước  về phát triển vùng dân tộc thiểu số vào cuộc sống. Với phương châm lấy "Đồng bào dân tộc thiểu số làm trung tâm", Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đang từng bước hoàn thiện hơn nữa chính sách, phân bổ nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số, giúp Chính phủ thực hiện chính sách này hiệu quả hơn.   

Phương châm “lấy đồng bào dân tộc thiểu số làm trung tâm”

Với phương châm lấy "Đồng bào dân tộc thiểu số làm trung tâm", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến và các phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Ủy viên chuyên trách, không chuyên trách của Hội đồng dân tộc cùng cán bộ tham mưu giúp việc đang nỗ lực để đồng bào dân tộc thiểu số có một cuộc sống ấm no hơn, đầy đủ hơn. Với khối lượng công việc rất lớn, nhưng tập thể lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, không ngại khó khăn vất vả, thường xuyên xuống địa phương, tiếp xúc, lắng nghe và trực tiếp ghi nhận những khó khăn của đồng bào. Vì vậy mà những chuyên đề giám sát của Hội đồng Dân tộc đã luôn bám sát hơi thở cuộc sống của đồng bào.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đã rất tâm đắc khi nói về chuyên đề “giám sát việc phân định xã, huyện tỉnh, ở miền núi vùng cao, phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển" thực hiện năm qua. Đây là căn cứ quan trọng  cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, cho vùng cao, dân tộc thiểu số thời gian tới đây. Mặc dù những năm qua, bộ mặt miền núi, vùng dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, đời sống đồng bào dân tộc đã được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cần được xử lý một cách rốt ráo, triệt để.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết: “Bộ tiêu chí phân bổ ở xã, huyện, thị trấn vùng cao đã được thực hiện hơn 20 năm nay. Việc xác định vùng cao chủ yếu là tính độ cao so với mặt biển, chưa tính đến yếu tố đặc thù như địa hình, địa chất, độ dốc, khí hậu… do đó chưa phân định được mức độ khó khăn của những địa bàn này ở những vùng khác nhau. Hơn nữa, vùng phân định thiểu số, miền núi theo trình độ phát triển đến naykhông còn phù hợp nữa. Vì hiện nay có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có dùng khái niệm như: vùng núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng tiêu chí chưa thống nhất. Do đó cần có bộ tiêu chí thống nhất., hợp lý để dùng chung trong quản lý nhà nước, trong đó có việc phân định những địa bàn có trình độ phát triển khác nhau, có mức độ khó khăn khác nhau. Để có hoạch định chính sách đầu tư công bằng hơn, tránh phân tán dàn trải”.

Cũng chính những kết quả có được qua giám sát, tại kỳ họp thứ 4 vừa qua Quốc hội đã giao cho Hội đồng Dân tộc tiến hành thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách trung ương đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua giám sát, nhiều vấn đề bất cập đã được Hội đồng Dân tộc chỉ rõ. Dù được Chính phủ quan tâm dành nguồn lực nhưng còn nhiều chính sách mà điển hình như chính sách bố trí về nguồn lực thì vẫn còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, việc thực hiện các chính sách ngày nay do rất nhiều bộ ngành trực tiếp quản lý và điều hành, chưa có một đầu mối nào nắm được chính xác được việc phân bổ từ trung ương đến địa phương và việc thực hiện chính sách miền núi cho những dân tộc thiểu số ít người như thế nào. Trong thời gian tới cần phải khắc phục được cái tồn tại này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến cho biết: “Những kết quả trong chuyên đề giám sát của Hội đồng Dân tộc trong năm 2017 sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Quốc hội nhằm phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để tiếp tục khẳng định là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đang thể hiện nỗ lực rất lớn trong việc giúp Quốc hội và Chính phủ chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, không để đồng bào đứt bữa, ốm đau không được chữa bệnh, con em đến tuổi không được học hành”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, năm 2018, Hội đồng Dân tộc sẽ tiến hành giám sát 3 chuyên đề và khảo sát 3 chuyên đề. Các chuyên đề giám sát và khảo sát sẽ tập trung 4 lĩnh vực: Một là việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư cơ sở hạ tầng với vùng dân tộc thiểu số ở miền núi. Hai là phát triển giáo dục, đối với vùng đối với vùng dân tộc miền núi. Ba là việc thực hiện chính sách pháp luật về tái định cư, về ổn định dân cư ở các công trình thủy lợi và thủy điện và cuối cùng là việc thực hiện chính sách pháp luật đối với các dân tộc thiểu số ít người. Qua giám sát khảo sát này, Hội đồng Dân tộc sẽ rút ra những vấn đề cần phải giải trình, sau đó tiếp tục kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật các lĩnh vực được giám sát.

Nhân dịp đón xuân mậu Thân năm 2018, thay mặt Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến gửi lời chúc mừng đến tất cả đồng bào cử tri cả nước: “Một năm mới hạnh phúc, an lành và thành công trên mọi lĩnh vực”.

Một mùa xuân mới lại về mang theo niềm tin ngày càng mạnh mẽ hơn của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Niềm tin ấy đang tạo nên động lực mạnh mẽ cho Đảng và Nhà nước nói chung và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói riêng nỗ lực phấn đấu hơn nữa để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Những vấn đề dân tộc được Hội đồng Dân tộc giám sát trong năm 2018 sẽ tiếp tục tạo động lực mới cho việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Tác giả: Truyền hình Quốc hội Việt Nam