7 NỘI DUNG CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC RẤT ÍT NGƯỜI

24/06/2019

Ngày 24/6 tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người - Thực trạng và giải pháp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Hà Ngọc Chiến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ; Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An; Thường trực Hội đồng Dân tộc; cùng đại diện các bộ ngành, các địa phương có dân tộc rất ít người trên cả nước.

Báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy việc bố trí vốn thực hiện chính sách đặc thù phát triển kinh tế xã hội đối với dân tộc thiểu số rất ít người còn chậm và rất thấp. Cụ thể Đề án "Phát triển kinh tế xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao" theo quyết định 1762 của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến cuối năm 2013 mới được cấp kinh phí thực hiện và tính đến cuối năm 2018 mới đạt 40,19%. Từ năm 2016, đề án 1672 không được cấp ngân sách riêng, các địa phương không cân đối được ngân sách vì vậy không đạt được mục tiêu đề ra.

Tổng số vốn dành cho Đề án theo Quyết định 2086 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của 16 dân tộc rất ít người ở 194 thôn-bản thuộc 93 xã của 12 tỉnh trong 10 năm, là hơn hơn 1.781 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, từ nguồn vốn lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương cân đối, vốn đầu tư phát triển… Tuy nhiên, đến nay Trung ương mới bố trí được chưa đủ 147 tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi sự nghiệp. Chính phủ vừa trình Quốc hội dự kiến phân bổ kinh phí dự phòng đầu tư công hạn, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 30-40%. Một trong những nguyên nhân, là do thời điểm ban hành chính sách thì kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai và phân bổ cụ thể, nên ngân sách Trung ương chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư để thực hiện chính sách.

Toàn cảnh hội nghị

Tuy vậy các chính sách dân tộc của Quốc hội và Chính phủ thời gian qua đã thúc đẩy kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống vùng dân tộc thiểu số rất ít người. Trong vòng hơn 6 năm, từ 2009 đến 2015, dân số các dân tộc rất ít người tăng dân lên: người Ơ Đu tăng 70 người, người Si La tăng thêm 111 người, người Brâu thêm 76 nhân khẩu. Người La Ha, La Hủ tăng lên đến gần 1500 người.

Nhiều đại diện địa phương cho rằng nhà nước chỉ nên ban hành chính sách khung đối với các dân tộc rất ít người, còn việc lựa chọn hạng mục đầu tư như thế nào thì hãy để cho địa phương chủ động quyết định, bởi vì mỗi tộc người với các đặc điểm địa hình khác nhau ở các địa phương khác nhau có nhu cầu khác nhau. Chẳng hạn, khi cần về chất lượng dân số thì các dự án tập trung đầu tư vào nội dung này, chứ không thể theo các tiêu chí chuẩn áp dụng chung cho toàn quốc. Nghĩa là, hãy để cho các tỉnh, các huyện có đồng bào dân tộc rất ít người trên địa bàn tập trung lựa chọn hạng mục đầu tư cho đúng và hiệu quả thực tế. Bên cạnh đó thì mỗi chính sách dự án đưa ra cần phải cân đối bố trí nguồn lực thực hiện trước lúc ban hành, các chính sách ban hành nên gắn với một cơ quan chủ trì, một đầu mối quản lý, quan tâm đến sản xuất, tạo sinh kế cho người dân đặc biệt là tạo mọi điều kiện để người dân sống được từ rừng. Việc hoạch định chính sách, cần xây dựng lại tiêu chí để gắn với nhu cầu thực tế của người dân, chứ không cào bằng theo địa bàn hành chính dưới sự giám sát của chính Hội đồng nhân dân. Đồng thời các địa biểu thống nhất rằng cần tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách đặc thù nhằm phát triển vùng dân tộc thiểu số rất ít người.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thời gian qua với nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người đã giúp đồng thào các dân tộc thiểu số xoá đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Tuy vậy vẫn còn nhiều trăn trở do tỷ lệ hộ nghèo của các dân tộc rất ít người vẫn còn cao, số nhà dột nát còn nhiều, tỷ lệ người trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo đa số các dân tộc thiểu số ít người còn trên 50%.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng bày tỏ vui mừng khi Hội thảo đã thống nhất đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua và cần có giải pháp quyết liệt thực hiện chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu cần tập trung cao tổng kết việc thực hiện quyết định 1672 của Thủ tướng Chính phủ và các ngành cũng phải trả lời: vì sao nguồn lực thực hiện các đề án còn thấp? Đã có nghị quyết phê duyệt vì sao thực hiện mới đạt có 40,19%? Vì sao có đề án không có cấp ngân sách riêng? Tại sao các địa phương không cân đối được ngân sách, không đạt mục tiêu đề ra thì ai chịu trách nhiệm? Việc thực hiện tốt những nội dung trên thì mới thực hiện được quyết định 2086 của Chính phủ để đảm bảo các chỉ tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tại Hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị thống nhất một số giải pháp cấp bách để báo cáo Quốc hội mà trong quá trình chuẩn bị sẽ còn tiếp tục nghe báo cáo, hội thảo, giải trình, sẽ có một số cuộc giải trình ở cấp Hội đồng dân tộc của Quốc hội.

Thứ nhất: Trước hết lo đất ở, nhà ở cho số đồng bào các dân tộc còn rất ít người gắn với việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng từ thôn, bản, bổ sung quy hoạch theo định hướng tiêu chí nông thôn mới. Đây là vấn đề mới, hoàn thiện tiêu chí này không phải kinh tế mà cả an ninh quốc phòng .. và quan tâm đến an toàn xã hội.

Thứ hai: Quan tâm đến việc phát triển sản xuất, tạo kế sinh nhai thì phải có đất sản xuất gắn với đầu tư giữ nguồn nước, nguồn sinh thủy để có nước sản xuất, nước sinh hoạt, trước mắt cần có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đặc biệt để người dân sống được từ rừng.

Thứ ba: Có chính sách rất đặc biệt về vốn đầu tư, vốn vay, chi phí hướng dẫn sản xuất, tổ chức cuộc sống để bà con từng bước tiếp cận, có sản phẩm, ổn định cuộc sống, từng bước sản xuất hàng hóa.

Thứ tư: Chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, y tế; chu cấp cho việc học tiếng Việt từ lớp mầm non, tiểu học, trung học, có chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người có trình độ đại học trở lên; chăm lo cho cháu từ bé, gắn với từng cháu, từng dân tộc, thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, đây là cả vấn đề, cả gen, cả máu, bảo vệ từ người mẹ, dến trẻ em, đến trẻ sơ sinh, đây là cả bộ y tế, cả hội phụ nữ phải vào cuộc đào tạo nữ hộ sinh. Sắp tới cần phải giải trình có nữ hội sinh hay không? Cần chống tảo hôn ở dân tộc thiểu số rất ít người.

Thứ năm: Đặc biệt quan tâm đến việc sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc thiểu số rất ít người, kể cả văn hóa ăn, văn hóa ở, văn hóa mặc, tiếng nói, chữ viết, văn hóa tín ngưỡng gắn với xây dựng nếp sống mới, xóa các hủ tục lạc hậu. Phiên giải trình nội dung này sẽ phong phú, hay lắm, mỗi cái là mỗi mệnh đề trong văn hoá dân tộc.

Thứ sáu: Thực hiện tốt cuộc vận động an ninh Tổ quốc, đồng tình quan điểm của Bộ trưởng, không nghe, không đi, không làm theo kẻ xấu.

Thứ bảy: Có những giải pháp rất đặc biệt để tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, không cào bằng về trình độ, về đánh giá chất lượng với các dân tộc khác để đến năm 2030 dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng ý kiến của các đại biểu đã phản ánh khá đầy đủ trên nhiều phương diện, thể hiện tính đa dạng trong bức tranh toàn cảnh về đời sống kinh tế, an ninh chính trị, đời sống văn hoá, an toàn xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta. Hội thảo cũng đã đề xuất được nhiều kiến nghị cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục thúc đẩy kinh tế xã hội cho vùng dân tộc rất ít người.

Hội thảo đã thống nhất khẳng định những chính sách của Đảng nhà nước đối với dân tộc thiểu số rất ít người đã có tác động rất tích cực vì vậy mà đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh, vấn đề giảm nghèo y tế đều phát triển tích cực. Tuy nhiên đồng bào vùng dân tộc thiểu số rất ít người còn rất nhiều khó khăn, sinh sống trong những điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, kinh tế chậm phát triển nhất, dân trí thấp nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội khó khăn nhất và tỷ lệ nghèo cao nhất. Đánh giá cao chất lượng các tham luận và các ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự hội thảo, các báo cáo được chuẩn bị công phu, nội dung đề xuất kiến nghị sát với nội dung cần được quan tâm về chính sách pháp luật.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng về định hướng chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong thời gian tới và các nội dung chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng đây cũng là những nội dung mà hội thảo hướng tới và trong thời gian tới cần tham mưu, hoạch định và tổ chức thực hiện đối hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Thời gian tới Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ phối hợp với các Uỷ ban của Quốc hội phân công, phối hợp để tổ chức các hội nghị, hội thảo và các hội nghị giải trình trên cơ sở 7 nội dung mà Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã chỉ đạo kết luận giao nhiệm vụ trong hội thảo này. Cùng với sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, nội dung trong hội thảo này sẽ là cơ sở để Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan tiếp tục nghiên cứu và đóng góp ý kiến vào xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng Dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2026 và định hướng những năm tiếp theo cũng như phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc và phục vụ cho việc thực hiện văn kiện Đảng XIII sắp tới về công tác dân tộc./.

Phan Xanh