Các đại biểu trong Đoàn giám sát còn nhiều băn khoăn trong việc giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong đó đáng chú ý nhất là nhiều dân tộc thiểu số đang mất dần bản sắc văn hoá dân tộc, tiếng nói và chữ viết đang bị mai một dần, điều kiện hưởng thụ văn hoá giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi so với các vùng khác có sự chênh lệch quá lớn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cho rằng sự chênh lệch điều kiện hưởng thụ văn hoá giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi với các vùng dân tộc khác còn quá lớn và cần phải sớm có giải pháp để rút ngắn khoảng cách này. Bà Hoa Ry đề nghị Bộ văn hoá Thể Thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo rõ về tình hình bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua quá trình khảo sát và giám sát cho thấy việc thực hiện dạy tiếng nói và chữ viết các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn và chưa triển khai có hiệu quả, ngay tại các trường dân tộc nội trú thì vẫn chưa được triển khai đến nơi đến chốn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại buổi làm việc
Đồng tình với những ý kiến của Bà Trân Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành lo ngại về việc hàng ngàn làng văn hoá truyền thống đang dần biến mất, đồng nghĩa với việc biến mất các văn hoá của một số dân tộc, đây là nguy cơ hiện hữu cần phải đánh giá sâu hơn với những con số cụ thể để minh chứng. Tất cả những vấn đề này cần phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp mang tính đột phá.
Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc bày tỏ lo lắng về việc nhiều dân tộc được vận động không ăn Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều dân tộc đang bị mất bản sắc dân tộc, đặc biệt là tiếng nói và chữ viết là một trong những yếu tố rất quan trọng trong bản sắc văn hoá của dân tộc.
Bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hoá của các dân tộc thì đại biểu Phan Viết Lượng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cần khắc phục các phong tục, tập quán lạc hậu của các dân tộc bởi qua khảo sát giảm nghèo bền vững thời gian qua cho thấy một số phong tục đã cản trở rất nhiều đến việc phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Trả lời giải trình các vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát nêu ra, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Bộ đã huy động nhiều nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng các thiết chế văn hoá. Đặc biệt là thực hiện các hoạt động chiếu phim lưu động, các chương trình nghệ thuật xây dựng và xây dựng các thư viện lưu động với nhiều số lượng sách rất phong phú, đa dạng phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa nhằm nâng cao sự hưởng thụ văn hoá và cập nhật thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ cũng xác định việc bảo tồn văn hoá xã hội là bảo toàn đầy đủ không gian cũng như điều kiện sinh sống của giá trị di sản văn hoá là bảo tồn các làng truyền thống và đó không chỉ mang lại giá trị không chỉ về tinh thần mà mang lại hiệu quả phát triển kinh tế xã hội rất lớn, đặc biệt nếu những làng đó có kết nối với việc quảng bá giới thiệu du lịch càng có hiệu quả hơn, Bộ đã hỗ trợ đầu tư bảo tồn trên 30 làng truyền thống cho 25 dân tộc trên cả nước và có tổng kết, thấy hiệu quả rất cao. Sau đó Bộ đã có sự chỉ đạo các địa phương nhằm triển khai việc việc bảo tồn một cách rộng rãi nhưng còn khó khăn về nguồn lực vì vậy cần sự vào cuộc của các địa phương cả về bố trí nguồn lực cũng như tổ chức thực hiện, trừ những dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn thì Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ để triển khai. Ngoài ra cũng đang triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm gìn giữ bản sắc văn hoá của các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, xoá bỏ các tập tục lạc hậu, phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc nhưng còn cần nhiều thời gian và nguồn lực để từng bước thực hiện.
Hội nghị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu kết luận Hội nghị
Về vấn đề này, phát biểu kết luận Hội nghị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá cụ thể hơn về chênh lệch mức hưởng thụ văn hoá giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các chỉ số định lượng, có sự so sánh giữa các giai đoạn khác nhau. Cũng cần phải có các giải pháp để bảo tồn phong tục, tập quán chữ viết, tiếng nói, trang phục của các dân tộc thiểu số cũng như sự tác động của tôn giáo đến việc bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc. Cần nghiên cứu những giải pháp đột phá để bảo tồn và phát triển văn hoá theo từng dân tộc. Bởi mỗi dân tộc khác nhau có các vấn đề khác nhau, mỗi dân tộc có những nguy cơ mất bản sắc văn hoá ở các lĩnh vực khác nhau cần đưa ra những giải pháp và đề xuất các nguồn lực cụ thể để thực hiện các chương trình./.