CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC HÀ NGỌC CHIẾN: TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT ĐỂ KỊP THỜI PHÁT HIỆN NHỮNG BẤT CẬP KHI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

30/04/2020

Để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia hiệu quả, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định: Hội đồng Dân tộc sẽ tăng cường hoạt động giám sát nhằm kịp thời phát hiện bất cập trong quá trình triển khai Chương trình cũng như để việc hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng; các hạng mục được đầu tư hiệu quả, không làm thất thoát nguồn ngân sách và nguồn lực được huy động.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tại cuộc họp trên, Ủy ban Dân tộc dân tộc cho biết, hiện cả nước có hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước. Mặc dù kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực. Chương trình được thực hiện với mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số hằng năm trên 3%, tăng thu nhập hộ gia đình dân tộc thiểu số gấp trên 2 lần so với năm 2019 và đến năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% và thực hiện đề xuất 10 dự án thuộc một số lĩnh vực khác nhau.

Theo đề xuất của Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ, để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình thực hiện đối với các xã, thôn có thể lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên, theo 2 giai đoạn. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 là khoảng 204.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là hơn 210.500 tỷ đồng, gồm nhiều nguồn như: ngân sách Trung ương, địa phương, vốn tín dụng chính sách, huy động các nguồn lực khác...

Để hiểu rõ hơn về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến.

Phóng viên: Thưa Ông, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nghe báo cáo về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ông có đánh giá như thế nào về Chương trình được đưa ra cuộc họp?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Tiếp tục công tác xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Chương trình Mục tiêu quốc gia), theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội (Nghị quyết 88), ngày 24/4/2020, Thường trực Chính phủ đã tổ chức cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì để cơ quan chủ trì soạn thảo (Ủy ban Dân tộc) và Hội đồng Thẩm định quốc gia (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch) báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia và kết quả thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trước khi trình các Thành viên Chính phủ xem xét, thống nhất để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Việc tổ chức cuộc họp trên đây thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tình cảm, trách nhiệm của Thường trực Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc và hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Đồng thời, cuộc họp Thường trực Chính phủ cũng cho thấy, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, hoàn thiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, bảo đảm nội dung, hồ sơ, thủ tục của theo quy định của pháp luật trước khi gửi đến các cơ quan của Quốc hội để tổ chức thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45 (tháng 5/2020) và trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII sắp tới.

Phóng viên: Ủy ban Dân tộc đã có đề xuất tổng vốn để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 204.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là hơn 210.500 tỷ đồng, gồm nhiều nguồn như ngân sách Trung ương, địa phương, vốn tín dụng chính sách, các nguồn lực khác. Với số vốn như vậy, có ý kiến cho rằng, hiện nay, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nên để thực hiện Chương trình rất khó khả thi. Quan điểm của Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước, với hạ tầng kinh tế-xã hội thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (người dân tộc thiểu số chiếm hơn 14% dân số so với cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 57,16% hộ nghèo của cả nước), ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu cao nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất. Kết luận số Số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” đặt ra yêu cầu đối với các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư mới gắn với quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát.

Đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào. Điều chỉnh cơ chế, chính sách, định mức khoán bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào. Ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông, công trình thuỷ lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá phải được kiên cố hoá; bảo đảm các hộ gia đình dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông, tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phấn đấu đến năm 2030 không còn địa bàn khó khăn. Đồng thời, Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia với yêu cầu phải toàn diện, bền vững, phát huy mọi nguồn lực, giải quyết có hiệu quả những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất hiện nay của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tính toán, cân đối là con số tối thiểu và được tính trong bối cảnh tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Phóng viên: Chương trình có ý nghĩa rất lớn với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình không được trùng lặp với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững cũng như cần bám sát mục tiêu, nội dung trong Nghị quyết 88 của Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo Ông, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải triển khai Chương trình như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Hiện nay, Chính phủ đề xuất địa bàn đầu tư và đối tượng thụ hưởng của Chương trình Mục tiêu quốc gia là địa bàn đặc biệt khó khăn (theo tiêu chí mới dự kiến có 1.400 xã khu vực III và 8.000 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II). Theo đó, nếu hai Chương trình Mục tiêu quốc gia hiện nay tiếp tục được xây dựng và thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 thì không đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số. Như vậy, phạm vi đối tượng đề cập tại Chương trình Mục tiêu quốc gia này không trùng với phạm vi điều chỉnh và đối tượng thụ hưởng của 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia hiện hành.

Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đặt ra nhiệm vụ huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Bên cạnh đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời, cần từng bước thực hiện xã hội hóa các hoạt động phát triển kinh tế và cung cấp dịch vụ cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số thông qua việc phối kết hợp, lồng ghép với các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân quan tâm khác.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương cần phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc. Bên cạnh đó là tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết; rà soát, lồng ghép, sửa đổi, bổ sung chính sách; nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hoá và xã hội hoá nguồn lực để đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, cần thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Nếu Chương trình được Quốc hội thông qua thì các địa phương nên ưu tiên tập trung đầu tư vào những mục tiêu, công đoạn trọng tâm nào, thưa Ông?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Khi Chương trình Mục tiêu quốc gia được phê duyệt và triển khai thực hiện, cần thực hiện đồng bộ 10 dự án của Chương trình. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ cơ bản, bức thiết hiện nay của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào; hoàn thành công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định hộ di cư không theo quy hoạch; quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở...

Phóng viên: Theo Ông, việc giám sát, xử lý trong quá trình triển khai nên như thế nào để Chương trình được thực hiện hiệu quả, đến đúng đối tượng được thụ hưởng; các hạng mục được đầu tư hiệu quả, không làm thất thoát nguồn ngân sách và nguồn lực được huy động?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến: Chương trình Mục tiêu quốc gia rất lớn (gần như gồm toàn bộ các nội dung chính sách hiện hành về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi) thì xây dựng và vận hành tốt hệ thống giám sát và đánh giá là rất quan trọng để đảm bảo có cơ sở trong theo dõi, đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện của các cơ quan liên quan. Do đó, cần thực hiện giám sát, đánh giá dựa trên kết quả và tác động (kết quả chính của Chương trình, cũng như của các dự án và tiểu dự án, sử dụng chỉ số đầu ra để đo lường mục tiêu, kết quả của Chương trình).

Hội đồng Dân tộc sẽ tăng cường hoạt động giám sát của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát để kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai tổ chức chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Hội đồng Dân tộc kiên quyết đề nghị xử lý thật nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia của người dân. Đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ và kịp thời về các các hoạt động của Chương trình. Người dân được tham gia và quyết định từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn đối tượng hưởng lợi, tổ chức thực hiện. Ngoài ra, cần tăng cường phân cấp, trao quyền cho cơ sở xã, thôn; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng, gắn với nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát, đánh giá.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc!

Bích Lan