Toàn cảnh Lễ ký kết giữa Hội đồng Dân tộc và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm nhấn mạnh: Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là một thiết chế chính trị đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam, là một cơ quan trực thuộc Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do Quốc hội bầu ra. Hoạt động của Hội đồng Dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu cao cả được quy định trong Hiến pháp là: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Trong các nhiệm kỳ qua, Hội đồng Dân tộc đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về chính sách dân tộc; Thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Cho ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ; Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực dân tộc; Giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chủ trì việc giám sát, kiến nghị, quyết định việc thực hiện chính sách dân tộc trong chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, công tác cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị, nhất là chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, các cơ quan hữu quan chuẩn bị và trực tiếp chủ trì thẩm tra để Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030. Đây là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc. Các kết quả qua các nhiệm kỳ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào, cử tri cả nước nói chung và đồng bào, cử tri các dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là đặc biệt coi trọng vấn đề dân tộc và công tác dân tộc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm cho rằng, có được những kết quả trên là do Hội đồng Dân tộc các nhiệm kỳ luôn phát huy là một tập thể đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, đổi mới; sự nỗ lực, trách nhiệm của các đại biểu dân cử. Bên cạnh đó, có những đóng góp quan trọng của các cơ quan hữu quan, các tổ chức chính trị xã hội trong việc phối hợp, hỗ trợ đối với các hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong các nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua Hội đồng Dân tộc đã tổ chức, thực hiện ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Đảng bộ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Đảng bộ xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội… Các chương trình phối hợp đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Hội đồng Dân tộc với các cơ quan, đơn vị, thực hiện hiệu quả hơn công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm phát biểu tại Lễ ký kết.
Hội đồng Dân tộc khóa XV với 45 thành viên là những đại biểu ưu tú của 24 thành phần dân tộc đến từ mọi vùng miền của Tổ quốc. Với niềm tin của cử tri đồng bào dân tộc thiểu số đã gửi gắm, với tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại biểu dân cử, với nhiệm vụ quyền hạn được quy định tại Điều 68a của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm, Hội đồng Dân tộc khóa XV sẽ tiếp tục phát huy là một tập thể đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, đổi mới, cố gắng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, trong đó trọng tâm là giám sát và tiếp tục kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong đề án tổng thể và chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS &MN giai đoạn 2021- 2030 và tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị việc hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực dân tộc.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thời gian tới, Hội đồng Dân tộc tiếp tục thực hiện tốt các chương trình phối hợp với các các cơ quan đơn vị hữu quan, các tổ chức chính trị xã hội nhằm huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả hơn công tác dân tộc. Do đó, Hội đồng Dân tộc và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 nhằm tăng cường thực hiện có hiệu quả các hoạt động tham vấn khóa học, huy động, thu hút sự tham gia của đội ngũ các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức và cộng đồng xã hội vào quá trình nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Dân tộc và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; đồng thời xây dựng và phát triển mối nhằm huy động đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cùng tham gia nghiên cứu, tư vấn, giúp Hội đồng Dân tộc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng.
Cũng tại Lễ ký kết, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng khẳng định, việc ký kết Chương trình hợp tác giữa Hội đồng Dân tộc với Liên hiệp Hội Việt Nam nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) sẽ thúc đẩy việc phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, giúp hai bên thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Theo Chủ tịch Liên hiệp Phân Xuân Dũng, với chức năng, nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương, sẽ chỉ đạo các ban chuyên môn các tổ chức thành viên Liên hiệp Hội Việt Nam, tham gia và đóng góp tích cực, cung cấp các ý kiến tư vấn, phản biện của các nhà khoa học cho các hoạt động của Hội đồng Dân tộc như: thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về chính sách dân tộc; Thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; Thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tham gia ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ; Giới thiệu các chuyên gia tham gia các đoàn giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực dân tộc; Giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có liên quan đến công tác dân tộc; Kiến nghị các vấn đề về chính sách dân tộc của Nhà nước, các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về những vấn đề khác có liên quan đến công tác dân tộc.
Để triển khai triển khai thực hiện thành công Chương trình hợp tác giữa hai cơ quan, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam mong muốn và đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi việc tổ chức thực hiện chương trình này. Trong quá trình thực hiện, căn cứ điều kiện thực tế, hai bên cùng trao đổi, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phù hợp. Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc và Điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam, hai bên chủ động phối hợp theo những phương thức sau:
Thứ nhất: Mỗi bên cử ra một Nhóm công tác để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu của Lãnh đạo hai bên.
Thứ hai: Phối hợp tổ chức các nghiên cứu chung, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị, khảo sát, nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ của hai bên và theo các chương trình, kế hoạch hai bên thống nhất thực hiện.
Hội đồng Dân tộc và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026.
Thứ ba: Xây dựng chương trình tư vấn phản biện, tham vấn, nghiên cứu hằng năm và các dự án, nhiệm vụ cụ thể.
Thứ tư: Mời các chuyên gia Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc.
Thứ năm: Phương thức phối hợp đối với từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể sẽ do Lãnh đạo hai bên trao đổi, thống nhất và cùng chủ trì thực hiện. Định kỳ 6 tháng một lần, Lãnh đạo hai bên tổ chức họp để trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động phối hợp và dự kiến chương trình, kế hoạch hoạt động trong 6 tháng tiếp theo. Hằng năm, hai bên tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm về hoạt động phối hợp.
Thứ sáu: Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, hai bên trao đổi, thống nhất xây dựng Chương trình và Kế hoạch hợp tác cụ thể hằng năm; trong quá trình thực hiện thường xuyên đánh giá và điều chỉnh phù hợp./.