BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC HẦU A LỀNH: NĂM 2023 PHỐI HỢP CHẶT CHẼ VỚI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC NHẰM THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC, CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

20/01/2023

Nêu rõ, năm 2022 là năm đầu tiên Hội đồng Dân tộc và Uỷ ban Dân tộc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026, đạt được nhiều kết quả quan trọng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, hai cơ quan đã xác định các hoạt động phối hợp trọng tâm năm 2023 là xây dựng chính sách, pháp luật; giám sát, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian tới.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: LƯU Ý 5 NỘI DUNG TRỌNG TÂM TRONG TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

Nhìn lại năm 2022 với nhiều khó khăn và thách thức nhưng với sự chủ động, quyết liệt, công tác dân tộc đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bước phát triển rất đáng khích lệ. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước được tăng cường, củng cố. Qua đó, tạo tiền đề để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội.

Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bên thềm năm mới 2023. Qua đó làm rõ hơn về tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm vừa qua, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và sự phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Nhận thức về công tác dân tộc đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị cả nước từ Trung ương đến địa phương

Phóng viên: Nhìn lại năm 2022 với nhiều khó khăn và thách thức, Bộ trưởng, Chủ nhiệm có thể cho biết kết quả nổi bật của Ủy ban Dân tộc về tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm qua?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Năm 2022 là năm tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp; lạm phát thế giới tăng cao và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Trong bối cảnh đó, bám sát các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với phương châm “Đổi mới, kỷ cương, đoàn kết, dân chủ, phối hợp”, Ủy ban Dân tộc đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc và đã đạt được kết quả quan trọng.

Có thể nói, trong năm 2022, cơ quan làm công tác dân tộc đã triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nội dung công việc chưa có tiền lệ, liên quan đến nhiều lĩnh vực như tài chính, đầu tư, pháp luật… Trọng tâm là ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi 7 thông tư, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG DTTS&MN) theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, thể hiện sự đổi mới tư duy về xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Các văn bản hướng dẫn có sự tham gia của các địa phương, sát thực tế hơn, phù hợp hơn với điều kiện vùng DTTS và miền núi.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành công tác dân tộc, đó là với vai trò chủ trì tham mưu của Ủy ban Dân tộc, đầu năm 2022, Chính phủ đã có Nghị quyết ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Tôi nhận thấy, đây là một bước tiến mới, một dấu mốc rất quan trọng trong lĩnh vực công tác dân tộc năm 2022. Để thực hiện mục tiêu đề ra trong Chiến lược công tác dân tộc, cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Theo đó, Ủy ban Dân tộc chủ trì nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án rà soát, đánh giá tổng thể các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành về lĩnh vực công tác dân tộc, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác dân tộc nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…

Đồng thời, năm 2022 cũng đã ghi nhận sự chuyển biến rất lớn trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực công tác dân tộc, triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Qua đó, nhận thức về công tác dân tộc đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị cả nước từ Trung ương đến địa phương. Các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thể hiện nổi bật nhất là việc phối hợp triển khai và hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Làm việc với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương tại Tp.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm hỏi, động viên các em học sinh nỗ lực vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập.

Với phương châm hướng về cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện công tác dân tộc, năm 2022, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã đi công tác, làm việc, dự hội nghị, hội thảo, tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm việc tại 50 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường. Hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh. Thực hiện công tác kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội nên đời sống của đồng bào các DTTS nhìn chung ổn định và ngày càng được cải thiện.

Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm. Tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi cơ bản ổn định nhờ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ phát huy hiệu quả.

Phóng viên: Có thể thấy, triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân tộc trong năm 2022. Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về vai trò và tính ưu việt của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình) là một quyết sách lịch sử của Đảng và Nhà nước Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN. Bên cạnh vai trò là một chương trình MTQG có nguồn lực đầu tư lớn nhất hiện nay dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN, thì theo tôi, đây cũng là một chương trình nhận được nhiều kỳ vọng nhất từ trước đến nay của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể và hơn 14 triệu đồng bào DTTS. 

Chương trình mang quan điểm đầu tư tổng thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 10 Dự án, 14 Tiểu Dự án và và 36 nội dung đặc thù được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Trong đó, Chương trình tập trung vào những nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, giải quyết những nhu cầu bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời Chương trình cũng tập trung vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Phát triển cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tăng cường các biện pháp cung cấp trợ giúp pháp lý, thông tin truyền thông chính sách cho người dân tộc thiểu số; Tăng cường vay vốn tín dụng ưu đãi, giảm cho không.

Hội đồng Dân tộc phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc, đạt nhiều kết quả thiết thực, quan trọng trong giai đoạn 2016-2021

Phóng viên: Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc thời gian qua?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Như mọi người đã biết, giai đoạn 2016-2021, Hội đồng Dân tộc và Uỷ ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ, đạt được nhiều kết quả thiết thực, có tính chất quan trọng. Dấu ấn nổi bật nhất của quá trình phối hợp là tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội). Tôi cho rằng. đây là một quyết định có ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc, là mốc son đỏ trong lịch sử công tác dân tộc.

Tại Hội nghị tổng kết quy chế phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016-2021 và ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2022-2026, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân giao phó.

Năm 2022 là năm đầu tiên Hội đồng Dân tộc và Uỷ ban Dân tộc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026 (Quy chế số 01-QCPH/HĐDT-UBDT ngày 09/03/2022), hai bên đã bám sát các nội dung, chương trình, nhiệm vụ đề ra của Quy chế phối hợp, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả thiết thực. Thông qua hoạt động phối hợp, công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết các chương trình, chính sách dân tộc được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Từ kiến nghị sau các đợt giám sát của Hội đồng Dân tộc giai đoạn trước, tôi nhận thấy, các chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế. Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đã có chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được chú trọng; nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về công tác dân tộc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS&MN; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.

Xác định năm 2022 là bản lề, có ý nghĩa quan trọng để nối tiếp những thành quả của giai đoạn trước, Uỷ ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc đã cùng nhau thực hiện tốt và có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ theo Kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp công tác năm 2022 (Kế hoạch số 914-KH/HĐDT-UBDT ngày 13/6/2022):

Một là nghiên cứu, xây dựng các văn bản thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội;

Hai là nghiên cứu, xây dựng các văn bản liên quan về danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam;

Ba là nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, thực hiện phân định miền núi, vùng cao;

Bốn là nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, đề xuất xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc;

Năm là nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Sáu là triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045;

Bảy là phối hợp với các cơ quan rà soát, đánh giá nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Tám là phối hợp với các cơ quan bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số và Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cán bộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhiệm kỳ 2021-2026.

Trọng tâm năm 2023 là giám sát, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN

Phóng viên: Qua đó Bộ trưởng kỳ vọng như thế nào về sự phối hợp giữa hai cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc và công tác dân tộc cũng như triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG trong năm 2023?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Trong năm 2023, tôi mong rằng và tin tưởng chắc chắn rằng, sự phối hợp giữa Uỷ ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tiếp tục vững mạnh và bền chặt hơn nữa, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao. Thực hiện việc tham mưu, hoạch định, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm hỏi, động viên tặng quà Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Trong đó, hai bên xác định các hoạt động phối hợp trọng tâm là: Xây dựng chính sách, pháp luật; hoạt động giám sát, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023 để phục vụ việc đánh giá giữa kỳ của Chương trình; hoạt động thẩm tra, đánh giá, triển khai chính sách dân tộc; công tác bồi dưỡng cán bộ, trao đổi, cung cấp thông tin; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác dân tộc.

Thời gian tới, nhiệm vụ, công việc còn rất nặng nề, ngoài phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan, tôi nhận thấy, Uỷ ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc cần thường xuyên trao đổi, bàn bạc, thống nhất để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14; nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quốc hội xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc; phối hợp nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều chỉnh phân định miền núi, vùng cao phục vụ hoạch định chính sách dân tộc; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc và công tác dân tộc; thường xuyên nắm tình hình, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

Đồng thời hai cơ quan cần tiếp tục phát huy, đồng hành, chia sẻ, đoàn kết, nhất trí hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, công tác dân tộc trong năm 2023 là tiền đề triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG DTTS&MN, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Phóng viên: Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, Bộ trưởng có gửi gắm điều gì với hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc cũng như nhân dân và cử tri cả nước?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Những kết quả đạt được trong năm 2022 có ý nghĩa quan trọng và là động lực mạnh mẽ để ngành công tác dân tộc bước vào năm 2023 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nhiệm vụ phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025, với một tâm thế mới, quyết tâm mới.

Đất nước bước vào Xuân với nhiều thời cơ và vận hội mới, song cũng nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Chúng ta cần nhận diện đúng, đủ và khắc phục hiệu quả những vướng mắc, hạn chế trong công tác dân tộc. Với phương châm “Đổi mới, kỷ cương, đoàn kết, dân chủ, phối hợp”, tôi tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cùng với đồng bào cả nước xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới, mừng Xuân Quý Mão, tôi xin kính chúc các gia đình cùng đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước dồi dào sức khỏe, an lành và hạnh phúc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Ngọc