Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Y Vinh Tơr, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước…
Toàn cảnh hội thảo
Còn nhiều vướng mắc
Ông Y Vinh Tơr, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho biết, đến nay hệ thống cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã tương đối đầy đủ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%.
Cả nước có 73,65 số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 40,8% đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệu vụ, đạt cuẩn nông thôn mới. 20 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, các đại biểu thẳng thắn thừa nhận kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương còn rất chậm. Đến 31/10/2023, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới giải ngân được 23.300 tỷ đồng cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đạt 39% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn cho đầu tư phát triển khoảng 19.000 tỷ đồng, đạt 52%.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành tham dự hội thảo
Ông Vũ Ngọc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, khả năng giải ngân cho các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Theo ông, vấn đề lớn ở đây là nguồn vốn chi thường xuyên. Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn chi thường xuyên là vấn đề rất lớn, mới giải ngân được 18%.
“Đây là vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện mà chúng ta chưa tháo gỡ được. Ngoài các quy định chung, có thể vướng ở các quy định luật. Có những cơ chế, chính sách liên quan quy định, nghị định thuộc thẩm quyền Chính phủ. Nhưng cũng có những vấn đề phải báo cáo Quốc hội để xin cơ chế nên dẫn đến việc thực hiện tốn nhiều thời gian, khó giải ngân”, ông Hưng nêu.
Cùng quan điểm, nhiều đại biểu cũng cho rằng, với quy định hiện hành, các địa phương không thể tự quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn từ chi thường xuyên sang chi đầu tư, từ vốn chương trình này sang chương trình khác nên quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp khó khăn.
Thông cảm với những trăn trở của các đại biểu, nhất là lãnh đạo các địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng thẳng thắn thừa nhận, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định. “Những vấn đề các đại biểu nêu cũng đã được chỉ ra tương đối rõ nét qua giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua, trong đó, có vấn đề về cơ chế thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia", ông Y Thanh Hà Niê Kđăm thông tin.
Kiến nghị phân cấp, giao quyền cho địa phương
Sau khi nêu ra những khó khăn, vướng mắc, ông Nông Quốc Khôi, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng kiến nghị: “Nếu được thì nên giao cho UBND tỉnh. HĐND tỉnh giao chi tiết cho tỉnh đến từng dự án hoặc phân công, ủy quyền cho UBND tỉnh”.
Đồng tình với kiến nghị trên, ông Vũ Ngọc Hưng đề xuất các giải pháp như: Giao trách nhiệm cho HĐND cấp tỉnh được lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp; giao trách nhiệm cho UBND tỉnh phải thực hiện việc quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm; cho phép HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Chia sẻ với lãnh đạo các địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói rằng, bất kỳ một chương trình, quyết sách nào khi thực hiện cũng có thể phát sinh những vấn đề mới, thậm chí vướng mắc. Vấn đề đặt ra là Nhà nước, bộ, ngành và địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận được những khó khăn, hạn chế, vướng mắc để tập trung tháo gỡ.
Thông tin thêm với các đại biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, tại Nghị quyết số 108, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Điểm mới trong nghị quyết này là có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm phát biểu tại hội thảo
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chỉ một ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 108, Chính phủ đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, có văn bản phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù; đến ngày 8.12 đã xây dựng xong Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và hồ sơ kèm theo tương đối đầy đủ.
Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của đại biểu, ông Y Thanh Hà Niê Kdăm cho biết, thời gian tới, Hội đồng Dân tộc sẽ tổng hợp các đề xuất để trình cấp thẩm quyền có cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. “Kết quả của hội thảo này sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành nghiên cứu, tham khảo trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất”.