Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học được Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ của Dự án “Diễn đàn giáo dục quyền con người” do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Giám đốc Dự án Diễn đàn giáo dục quyền con người phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo.
Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất với chủ đề: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhóm quyền dân sự với 05 tham luận. Phiên thứ hai với chủ đề: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhóm quyền chính trị, với 05 tham luận.
Hai nhóm quyền được quan tâm là dân sự và chính trị, trong đó các nhà khoa học đi sâu thảo luận về quyền sống, bình đẳng, tham gia quản lý nhà nước; quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, sở hữu trí tuệ, giới hạn quyền và cơ chế tư pháp đảm bảo quyền dân sự, quyền con người trong bối cảnh toàn cầu hóa… Những nghiên cứu về lý luận và thực tiễn của các nhóm này sẽ phục vụ cho quá trình hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Hôn nhân và gia đình là lĩnh vực có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh khi khoa học kỹ thuật phát triển, tác động lớn đến nạo phá thai để sinh con theo ý muốn, lựa chọn giới tính, chuyển đổi giới tính… ThS Phạm Thị Tính, Viện Nghiên cứu Con người nhận xét: Các quy định pháp luật về quyền con người trong hôn nhân và gia đình cần được cụ thể hóa theo hướng có tính áp dụng sát với thực tế hơn. Phụ nữ cần được nâng cao vị thế kinh tế và vai trò xã hội, tạo điều kiện để họ độc lập hơn trong việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền của mình và gia đình…
Với quyền sở hữu trí tuệ, TS. Lê Mai Thanh, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, thực tế các vụ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ là những vụ việc tương đối phức tạp và mang tính đặc thù, nên một số nước đã phải thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, hoạt động của các cơ quan thực thi trong quá trình xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền quyền sở hữu trí tuệ còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chung. Việt Nam chưa đòi hỏi phải thành lập Tòa chuyên trách nhưng việc đào tạo đội ngũ thẩm phán có kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ là cần thiết, để có thể đáp ứng với tình hình thực tế vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng và các hình thức xâm phạm tinh vi hơn.
Theo TS. Nguyễn Thị Báo, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt quyền chính trị của những người yếu thế ở Việt Nam thì vấn đề nâng cao nhận thức của gia đình và xã hội mang ý nghĩa quan trọng thông qua việc hiểu biết về quyền của người yếu thế, xây dựng ý thức tôn trọng người yếu thế, kế thừa truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, thay đổi thái độ phân biệt đối xử đối với người yếu thế. Những vấn đề này cùng với luật pháp sẽ góp phần tạo nên sự hỗ trợ thiết thực để thúc đẩy việc đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền chính trị của người yếu thế ở Việt Nam.
Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu. Với 10 báo cáo tham luận (trong tổng số 26 báo cáo Ban tổ chức nhận được) và trên 40 lượt tranh luận Hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề khái quát nhất về nhóm quyền dân sự và chính trị, đồng thời cũng cho thấy trong thời đại ngày nay thì nghiên cứu về quyền con người cần tiếp cận rộng hơn cả về các mặt lý luận, thực tiễn và thực hiện.