Trong thời gian qua, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, nội dung hợp tác đa dạng gồm nhiều dự án nghiên cứu chung, trao đổi chuyên gia, hội thảo, toạ đàm, đào tạo và tư vấn khoa học. Công tác hợp tác quốc tế đã gắn kết và phục vụ có hiệu quả cho các nhiệm vụ chính trị của Viện, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ban Hợp tác quốc tế đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc Chủ tịch Viện, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong công tác hợp tác quốc tế; Phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng trong các thủ tục visa, nhân sự cho khách quốc tế, việc ra quyết định đi công tác nước ngoài được thực hiện nhanh chóng. Các đoàn ra hàng năm được thực hiện đúng kế hoạch. Hoạt động phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến các bộ, ngành trong thẩm định dự án, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Hoạt động hợp tác quốc tế của các đơn vị đã có những khởi sắc, nhiều đơn vị chủ động tiếp cận đối tác, tận dụng cơ hội để phát triển năng lực của mình. Hầu hết các đề tài, dự án hợp tác quốc tế được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu của đối tác góp phần nâng vị thế của các đơn vị, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách về khoa học xã hội. Năng lực và trình độ khoa học của các đơn vị và các nhà khoa học được nâng cao qua hoạt động hợp tác quốc tế.
Tính đến tháng 3 năm 2011, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã mở quan hệ với 30 nước và vùng lãnh thổ, ký kết và thực hiện 42 thoả thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế, quỹ tài trợ, viện nghiên cứu và các trường đại học trên thế giới (chưa bao gồm những văn bản hợp tác do các viện nghiên cứu chuyên ngành ký kết thực hiện). Ngoài ra, cán bộ của Viện còn tham gia các hiệp hội, mạng lưới quốc tế và khu vực về khoa học xã hội.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, như nguồn nhân lực và năng lực cán bộ chưa đủ để tham gia hiệu quả vào các hoạt động hợp tác; số chuyên gia đầu ngành và cán bộ nghiên cứu có trình độ trên các lĩnh vực khoa học xã hội ngày càng ít, gây ảnh hưởng đến chất lượng hợp tác và bỏ lỡ nhiều nhiều cơ hội với các đối tác… Vai trò của cán bộ trợ lý đối ngoại chưa thống nhất ở các đơn vị, thiếu quy định chính sách để đào tạo, bồi dưỡng lâu dài đội ngũ này; Một số trợ lý đối ngoại còn hạn chế về ngoại ngữ và nghiệp vụ chuyên môn nên chưa giúp việc hiệu quả cho lãnh đạo Viện.