Quốc hội thảo luận về tình hình cấp “sổ đỏ”

06/11/2007

Báo cáo của Chính phủ về tình hình cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho thấy, công tác này vẫn còn rất nhiều tồn tại, yếu kém cần được khắc phục...

 

(VOV)_  Hôm nay (6/11), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe và thảo luận báo cáo về tình hình cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên trình bày cho thấy từ năm 2003 đến nay, các quy định của pháp luật đất đai đã có nhiều đổi mới và liên tục được hoàn thiện, nhất là các quy định về đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp GCN, nhằm đẩy mạnh việc cấp GCN cho những người đang sử dụng đất.

Kết quả, đến nay đã có 13 tỉnh cấp GCN đạt trên 90% diện tích cần cấp đối với các loại đất chính (đất sản xuất nông nghiệp, đất ở nông thôn và đất ở đô thị), 14 tỉnh đạt từ 80% đến 90%, 10 tỉnh đạt từ 70% đến 80%; 27 tỉnh còn lại đạt dưới 70%. Tiến độ cấp GCN đối với các loại đất đã được đẩy mạnh. Ngoài ra, trong quá trình cấp GCN đối với đất sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đã kết hợp chặt chẽ quá trình "dồn điền, đổi thửa" với việc cấp đổi GCN cho thửa đất lớn sau khi đã thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa. Các thủ tục cấp GCN cũng đã có một số điểm đổi mới…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác đăng ký, cấp GCN: Việc cấp GCN nhìn chung còn chậm, nhất là các loại đất chuyên dùng, đất ở đô thị và đất lâm nghiệp. Một số địa phương chưa triển khai thực hiện đồng bộ cấp GCN cho tất cả các loại đất mà chủ yếu tập trung vào một số loại đất chính như đất sản xuất nông nghiệp, đất ở nông thôn và đất ở đô thị. Một số tỉnh, thành phố còn tồn đọng nhiều GCN do người sử dụng đất chưa đến nhận hoặc do UBND cấp xã đã nhận được nhưng chưa trao cho người được cấp giấy, hiện tượng sai sót trong quá trình thực hiện và tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân khi làm các thủ tục cấp GCN vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời…

Cũng theo báo cáo này, nguyên nhân chủ yếu của việc cấp GCN chậm là do việc triển khai thi hành Luật Đất đai ở các địa phương nhìn chung còn chậm; Tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Chưa bảo đảm kinh phí cho việc cấp GCN và Hệ thống pháp luật còn một số điểm bất cập…

Để khắc phục những yếu kém nêu trên, báo cáo của Chính  phủ đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Trước mắt, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết trong kỳ họp này về việc thống nhất cấp 01 loại GCN bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thống nhất quy trình thực hiện việc đăng ký đất đai, đăng ký tài sản hình thành từ sử dụng đất trên nguyên tắc thống nhất đầu mối quản lý đăng ký, đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất, khắc phục lãng phí trong quản lý, tạo ra sự đồng bộ trong việc quản lý phát triển thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay; Tiếp tục rà soát để vào đầu năm 2009 Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua một số luật liên quan đến đất đai như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Đăng ký Bất động sản… Mặt khác cần hoàn chỉnh bộ máy quản lý, nâng cao trình độ cán bộ chuyên môn; Tăng nguồn lực tài chính cho hoạt động quản lý đất đai; Thực hiện việc đăng ký cho tất cả các trường hợp đang sử dụng đất mà chưa đăng ký; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai  và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cấp GCN.

Trong buổi sáng nay và chiều nay, Quốc hội tập trung thảo luận về những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc ở một số địa phương trong việc cấp GCN, cũng như những kiến nghị cụ thể để đẩy mạnh công tác này./.

 

Hà Thuỷ

(http://www.vovnews.vn/)