Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII: Đẩy mạnh công tác quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước

07/11/2007

Sáng nay (7/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về các dự án Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức; dự án Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; dự án Luật hoạt động Chữ thập đỏ và các báo cáo thẩm tra các dự án luật này.

(VOV)_Tờ trình dự án Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày nêu rõ, trong thời gian qua, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trưng mua, trưng dụng tài sản. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới chỉ quy định một số nội dung có liên quan đến tài sản thuộc đối tượng trưng mua, trưng dụng; thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng và các trường hợp được thực hiện trưng mua, trưng dụng; còn nguyên tắc, hình thức quyết định, trình tự thủ tục thực hiện; cơ chế thanh toán và xử lý vi phạm chưa được quy định cụ thể. Do vậy, việc ban hành Luật trưng mua, trưng dụng tài sản nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước; Đáp ứng yêu cầu về tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia mà các biện pháp huy động khác không đáp ứng được; Góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức. Báo cáo Uỷ ban Pháp luật tán thành với việc ban hành Luật trưng mua, trưng dụng tài sản cùng với những quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Luật trưng mua, trưng dụng tài sản là tiếp tục cụ thể hoá quy định tại Điều 23 của Hiến pháp năm 1992. Qua thảo luận, đa số thành viên Uỷ ban Pháp luật cũng đồng ý tên gọi của dự án Luật do Chính phủ trình, cho rằng tên gọi này là phù hợp với phạm vi  điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án Luật. Tên gọi này của dự án Luật cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp về thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản  của cá nhân, tổ chức. 

Về dự án Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày cho thấy những kết quả quan trọng của công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã được thực hiện thời gian qua: công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước từng bước đi vào nề nếp, kỷ cương, công khai và có hiệu quả; Nhà nước đã thực hiện kiểm kê nắm được tổng quan về số lượng, giá trị và cơ cấu phân bố sử dụng tài sản nhà nước trong khu vực hành chính sự nghiệp và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp; thực hiện phân cấp rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp; giữa các cơ quan có chức năng quản lý tài sản nhà nước về tài sản nhà nước và các cơ quan, đơn vị được giao quản lý sử dụng tài sản nhà nước; đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong quản lý, trách nhiệm của từng đơn vị trong sử dụng tài sản... Bên cạnh đó, tờ trình của Chính phủ cũng chỉ ra những yếu kém còn tồn tại trong công tác quản lý tài sản nhà nước: hệ thống pháp luật về quản lý đối với một số lĩnh vực tài sản còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa điều chỉnh bao quát hết các quan hệ về tài sản trong kinh tế thị trường; tình trạng sử dụng tài sản nhà nước sai mục đích, sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ, lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực, một số đơn vị, địa phương; việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các đối tượng trực tiếp sử dụng tài sản chưa nghiêm, còn tình trạng đối phó; thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản nhà nước còn nhiều hạn chế, bị động, thiếu tính chuyên nghiệp. Quy trình nghiệp vụ quản lý chưa khoa học và lạc hậu.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật thể hiện sự tán thành cao với Chính phủ về sự cần thiết phải sớm ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và cho rằng quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là một vấn đề quan trọng, có vai trò quyết định trong việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm thực thi pháp luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cũng kiến nghị việc ban hành Luật phải tạo cơ sở pháp lý nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, loại bỏ cơ chế xin - cho, cơ chế phân phối dựa theo quan hệ thân quen, tư tưởng thừa còn hơn thiếu trong nền kinh tế tập trung, bao cấp trước đây. Thay vào đó, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải giải quyết có hiệu quả các quan hệ giữa nhu cầu và sử dụng; quyền đi đôi với trách nhiệm; tài sản gắn với quyền tài sản; gây thiệt hại và bồi thường thiệt hại; phân biệt rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của chủ thể quản lý nhà nước về tài sản và chủ thể quản lý, sử dụng tài sản...

Cũng trong buổi sáng nay, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Trần Ngọc Tăng trình bày Tờ trình về dự án Luật hoạt động chữ thập đỏ và Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật hoạt động chữ thập đỏ.

Luật hoạt động Chữ thập Đỏ Việt Nam gồm 9 chương, 48 điều, quy định các nội dung cơ bản về hoạt động cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; huy động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn lực cho hoạt động chữ thập đỏ; hợp tác quốc tế về hoạt động chữ thập đỏ và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong hoạt động chữ thập đỏ.

Theo Tờ trình, hiện nay Việt Nam chưa có văn bản pháp quy nào quy định cụ thể việc tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động chữ thập đỏ ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động chữ thập đỏ ở Việt Nam. Hoạt động chữ thập đỏ được coi là một bộ phận quan trọng trong các hoạt động nhân đạo, do Hội Chữ thập Đỏ tổ chức thực hiện hoặc phối hợp tổ chức thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, không vụ lợi.

Tờ trình nêu rõ, việc ban hành Luật hoạt động chữ thập đỏ nhằm góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về hoạt động chữ thập đỏ và các hoạt động nhân đạo. Bên cạnh đó, Luật ra đời còn góp phần khẳng định cam kết của Việt Nam đối với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trong việc thực thi các công ước mà Việt Nam tham gia, bảo hộ các hoạt động chữ thập đỏ theo thông lệ quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tiến trình mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.

Trong những năm qua, các hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành đã góp phần triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.

Từ 1987 đến nay, Hội đã vận động được hơn 8.000 tỷ đồng phục vụ cho các hoạt động nhân đạo. Riêng giai đoạn 2001-2006, các cấp Hội đã vận động xây dựng, sửa chữa gần 20.000 nhà tình nghĩa, dạy nghề và tạo việc làm cho gần 40.000 người khuyết tật; khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho gần 6,5 triệu người nghèo, hỗ trợ vốn cho hơn 40.000 hộ gia đình nghèo phát triển sản xuất; vận động hỗ trợ hơn 450 tỷ đồng cho nạn nhân chất độc da cam.

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hôi trường, tiếp tuc nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật năng lượng nguyên tử; dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và các báo cáo thẩm tra các dự án luật này của các Ủy ban chức năng của Quốc hội./.

 

 

 

Hà Thủy

(http://www.vovnews.vn, http://www.vnanet.vn/)