Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII: Cần xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể sử dụng lãng phí tài sản công

09/11/2007

Ngày 8/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.

Đa số các đại biểu nhất trí sự cần thiết phải ban hành hai Luật này, tuy nhiên các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi, đối tượng, điều kiện, thẩm quyền... của hai dự án Luật. Riêng đối với Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, nhiều đại biểu chưa nhất trí về việc tài sản nhà nước có nên cho thuê hay không.

* Sử dụng lãng phí tài sản công cần bị xử lý nghiêm

Đóng góp cho Dự án Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, nhiều đại biểu đề nghị cần xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể sử dụng lãng phí tài sản công. Đề cập đến vấn đề tài sản công có nên cho thuê hay không, các đại biểu Trần Du Lịch, Nguyễn Đăng Trực (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đã là tài sản công thì không cho thuê một cách tùy tiện; nếu không sử dụng thì phải trả lại Nhà nước chứ không được cho thuê vì sẽ tạo điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Nếu cho thuê thì 100% tiền cho thuê phải đưa vào ngân sách nhà nước. Đại biểu Ngô Anh Dũng (Hà Nội) lại cho rằng, nên để các cơ quan cho thuê tài sản công bởi vì còn nhiều đơn vị hiện nay không có địa điểm hội họp, bắt buộc họ phải đi thuê, chỉ có điều cách quản lý như thế nào để tránh lãng phí, tham nhũng. Đại biểu Dũng băn khoăn, việc sử dụng tài sản công sai mục đích đang diễn ra phổ biến, vì chúng ta không nắm được thông tin về tài sản của các cơ quan, bởi vậy cần có Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Khi xảy ra tình trạng sử dụng sai mục đích, Quốc hội có quyền kiểm tra, có quyền xem xét việc. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng: công tác quản lý tài sản nhà nước hiện nay còn buông lỏng. Nhiều cơ quan, đơn vị có tình trạng chỗ thì thừa, chỗ lại thiếu đất, đòi hỏi Quốc hội phải có thống kê tài sản để điều chỉnh lại cho phù hợp nhằm sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội) cho rằng, tài sản công nên cho thuê, vì như thế tránh lãng phí. Nếu tài sản công cho thuê thì xác định giá thuê như thế nào để dễ quản lý và nên có quy định tiền cho thuê phải nộp vào ngân sách nhà nước. Đại biểu lấy ví dụ: Trung tâm Hội nghị quốc gia được Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền, nhưng chỉ chủ yếu phục vụ hoạt động APEC; hay như sân vận động, Cung văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) cũng vậy, rất lãng phí. Chính phủ nên định kỳ tổng kiểm tra tài sản, tránh để tình trạng bất cập như hiện nay. Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) cho rằng, hiện nay tình trạng sử dụng, quản lý tài sản nhà nước rất bừa bãi. Việc xây dựng Luật này cần đưa ra những quy định cụ thể để khắc phục tình trạng sử dụng tài sản công chưa hiệu quả hiện nay, chứ không phải hợp lý hóa các quy định pháp luật hiện hành. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, xây dựng lại Luật cho sát với thực tế, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Trái với các ý kiến trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng ) cho rằng, để ban hành Luật này thì chưa thực sự cần thiết, bởi vì Quốc hội chưa có những tổng kết, đánh giá và chưa có căn cứ khoa học để làm cơ sở cho việc xây dựng một Luật quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước cho phù hợp. Đã có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, nhưng việc xử lý vi phạm còn nhiều bất cập. Đồng tình với đại biểu Vinh, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cũng đề nghị Ban soạn thảo tổng kết việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và cập nhật số liệu về tổng giá trị tài sản để Quốc hội có cơ sở xem xét, cho ý kiến vào Dự án Luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật khác đã ban hành.

* Dự thảo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản còn quá chung chung

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nội dung của Dự thảo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản có nhiều quy định quá chung chung. Đề cập vấn đề thẩm quyền trưng mua, trưng dụng tài sản, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) băn khoăn phạm vi quy định quá rộng. Theo đại biểu không nên hạn chế loại tài sản mà nên quy định thành nhóm tài sản để tránh bị bỏ sót và như thế sẽ đầy đủ; đề nghị Ban soạn thảo bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã và thủ trưởng các đơn vị được giao làm nhiệm vụ trên địa bàn theo quy định của pháp luật, vì họ là những người trực tiếp quản lý trên địa bàn. Đại biểu Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam) nêu ý kiến, trong Luật chưa có quy định về việc trưng dụng người sử dụng, quản lý tài sản trưng mua, trưng dụng (ví dụ: tàu thuyền, đất đai, phương tiện, nhà ở…); đề nghị ban soạn thảo xem xét và bổ sung cho phù hợp và đầy đủ hơn.

Đại biểu Đinh Mướk (Quảng Nam) đề nghị tại điều 31 cần đưa quy định về văn bản viết tay của người trưng mua, trưng dụng trong một số trường hợp khẩn cấp để tránh thiệt thòi cho người bị trưng mua, trưng dụng tài sản. Cùng với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng đề nghị, Luật này không nên quy định trưng mua, trưng dụng tài sản bằng lời nói mà phải bằng văn bản để người dân và các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam yên tâm hơn. Đại biểu Nguyễn Bá Thiều (Hải Phòng), Nguyễn Văn Pha (Quảng Bình) nhất trí việc ban hành Luật này. Tại Điều 4 quy định giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Bá Thiều đề nghị ban soạn thảo bổ sung một khoản giải thích từ ngữ “Thật cần thiết” và cần nói rõ thế nào là cần thiết để tránh hiểu sai. Đại biểu Lê Văn Sỹ (Quảng Nam) đề nghị Chính phủ nên có quy định về giải quyết các trường hợp tồn đọng trước đây về trưng mua, trưng dụng tài sản ..../.

 

(http://www.cpv.org.vn/index.html)