HĐND các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Quảng Nam, Thái Bình, Đăk Lăk, Sơn La, Bắc Ninh, Quảng Ninh khai mạc Kỳ họp cuối năm

12/12/2012

Ngày 10.12, HĐND các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Quảng Nam, Thái Bình, Đăk Lăk, Sơn La, Bắc Ninh, Quảng Ninh đã khai mạc Kỳ họp cuối năm.

Ngay sau khi khai mạc, HĐND các tỉnh đã đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT - XH, AN - QP năm 2012; bàn và quyết định phương hướng, nhiệm vụ năm 2013.

Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh Khóa XV cho thấy, năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp so với kế hoạch đầu năm và bằng kế hoạch điều chỉnh, ước tăng 2,52% so với năm 2011; tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 47,4 triệu đồng, tăng 10% so với năm 2011; công tác xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao so với năm 2011, đạt 180 triệu USD, tăng 33,3%; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có những tiến bộ; an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất kể từ khi tái lập tỉnh; thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán đề ra; công tác thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn… Năm 2013, tỉnh Vĩnh Phúc xác định là năm tập trung tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế; bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng các công trình trọng điểm và nông thôn mới. Tỉnh đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 tăng khoảng 5,5- 6% so với năm 2012; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 54 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, giảm 1% so với năm 2012; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch là 90%, tăng 1% so với năm 2012…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, năm 2012, tình hình KT - XH của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP ước đạt 10,78%, tuy có thấp hơn chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, nhưng tỷ trọng các ngành vẫn bảo đảm tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2011; các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội luôn được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn chậm và thiếu bền vững; việc triển khai thực hiệån các chương trình, dự án của tỉnh đã ban hành còn chậm, thiếu tập trung; hiệu quả thu hút đầu tư không cao; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; công tác quản lý duy trì sĩ số học sinh các cấp học hạn chế, vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học, nhất là ở các huyện vùng cao… Năm 2013, tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông đảm bảo thời vụ; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng; làm tốt công tác phòng chống rét mùa đông cho gia súc; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác các nguồn thu phát sinh trên địa bàn. Phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn trên 1.384 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,06% năm 2013; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ – CP...

Theo đánh giá của các đại biểu tại Kỳ họp thứ Sáu, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa VIII, năm 2012, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được mức độ tăng trưởng khá, GDP ước đạt 11,2%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nhà ở cho hộ nghèo được quan tâm chú trọng... Tuy nhiên, so với nghị quyết HĐND tỉnh giao, một số chỉ tiêu KT - XH quan trọng không đạt như: tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng, thu nội địa, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thu hút đầu tư giảm mạnh, đời sống của một bộ phận nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn... Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tập trung xem xét, đánh giá một cách toàn diện, dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT -XH, ngân sách của tỉnh năm 2012, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở đó ban hành quyết sách đúng đắn, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013, tạo tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo.

Báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh Khóa XV cho thấy, năm 2012, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tỉnh đạt trên 96,7% kế hoạch năm, tăng 7,82%% so với cùng kỳ năm 2011; các ngành kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá: giá trị sản xuất ngành nông, lâm thủy sản tăng 4,3%; công nghiệp, xây dựng tăng 9,7%; dịch vụ tăng 11,2%, bình quân GDP đầu người ước đạt 24,8 triệu đồng/người/năm… Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai, môi trường và xây dựng ở một số cơ sở còn buông lỏng; thanh toán ứng vốn đầu tư xây dựng còn chậm; tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh chưa được cải thiện đáng kể; tình  trạng dạy thêm, học thêm và lạm thu vẫn còn xảy ra... Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thảo luận và đánh giá những tồn tại, bàn những giải pháp khắc phục để phát triển kinh tế, xã hội năm 2013 như đẩy mạnh công tác quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư để đẩy mạnh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đăk Lăk trình tại Kỳ họp thứ Năm của HĐND tỉnh, tổng sản phẩm năm 2012 của tỉnh đạt 15.293 tỷ đồng, tăng 9,37% so với năm 2011; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 730 triệu USD, đạt 104,29% kế hoạch; tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 3.702 tỷ đồng tăng 7,9% so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người đạt 25,02 triệu đồng, tăng 11,37% so với năm 2011… Để thực hiện thành công mục tiêu kinh tế, xã hội năm 2013, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp: cải thiện môi trường đầu tư gắn với huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển; phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật; từng bước triển khai có hiệu quả chương trình nông thôn mới; phát triển công nghiệp với mũi nhọn là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và cơ khí phục vụ nông nghiệp; phát triển thương mại, dịch vụ bảo đảm cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng; quản lý, bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, thiên nhiên; thực hiện có hiệu quả chính sách phúc lợi xã hội và bảo đảm an sinh xã hội...

Báo cáo của UBND tỉnh Sơn La tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh Khóa XIII cho thấy, năm 2012, tổng sản phẩm GDP tăng 10,28% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,75%; công nghiệp, xây dựng tăng 8,21%; khu vực dịch vụ tăng 15,05%. Công tác quản lý đầu tư đã có những chuyển biến tích cực từ việc thực hiện chủ trương tái đầu tư công của Chính phủ; chương trình tái định cư dự án thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình có nhiều cố gắng; các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường và mở rộng… Năm 2013, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như: chương trình xây dựng nông thôn mới; ổn định đời sống nhân dân các vùng, khu, điểm tái định cư các dự án thủy điện; chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị; chương trình phát triển công nghiệp và dịch vụ; chương trình phát triển văn hóa - xã hội… Đồng thời, tiếp tục ưu tiên thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch, tăng cường thu hút đầu tư; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo… Cũng tại kỳ họp này, HĐND sẽ xem xét và thông qua 13 nghị quyết.

Theo đánh giá của các đại biểu tại Kỳ họp thứ Bảy của HĐND tỉnh Bắc Ninh, kinh tế, xã hội của tỉnh năm 2012 đã đạt những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 13.607 tỷ đồng, tăng 12,3% so năm 2011, thu NSNN trên địa bàn ước đạt 9.068,4 tỷ đồng, vượt 20,6% so với dự toán, tăng 25,7% so với năm 2011. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, giữa năm phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng; tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế giảm; sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng thấp; công tác bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường chưa triệt để; tình trạng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông vẫn còn diễn ra ở một số địa phương... Năm 2013, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển SXKD để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế; tăng cường thu ngân sách; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có số thu lớn để nuôi dưỡng nguồn thu; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh được lập Đề án phát hành Trái phiếu chính quyền địa phương thời hạn 5 năm với tổng mức huy động 1.000 tỷ đồng…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh trình tại Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh Khóa XII, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2012, ước đạt 7,4%. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,3%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 3,1%; ngành dịch vụ tăng 13,7%; tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 102% dự toán, bằng 101% so với cùng kỳ; an sinh xã hội được bảo đảm; các vấn đề xã hội bức xúc tiếp tục được quan tâm giải quyết; công tác đối ngoại, hoạt động xúc tiến đầu tư đạt kết quả nổi bật... Tuy nhiên, GDP tăng khá nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra; sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất trong nhiều năm qua; dịch vụ có bước phát triển song còn chậm và chưa tương xứng với tiềm năng; tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn... Năm 2013, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Thông báo số 108-TB/TW về Đề án phát triển KT -XH tỉnh Quảng Ninh; thực hiện các mục tiêu, chương trình trọng điểm; cải thiện môi trường đầu tư, tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; quản lý hiệu quả thị trường giá cả; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội... Theo chương trình, kỳ họp diễn ra trong 3 ngày, sẽ thảo luận và thông qua 17 nghị quyết.

 

T.HÀ, T.TRÚC, P.HIỀN, X.THÁI, T.ĐẠT, T.HÍNH, N.CƯỜNG, N.NGÂN

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác