Ngày 5-9, gần 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới

04/09/2007

ND - Ngày 5-9, gần 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới 2007-2008. Đây là năm thứ hai toàn ngành tiếp tục triển khai cuộc vận động "Hai không" với bốn nội dung: Nói "không" với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, vận dụng phù hợp với mỗi ngành học.

Năm học 2007- 2008 là năm học tiếp tục thực hiện NQ số 40, 41 của Quốc hội khóa X, Chỉ thị số 06-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Trên cơ sở kết quả học tập năm học 2006-2007 và kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm học, các trường tổ chức đăng ký, cam kết thi đua thực hiện bốn nội dung của cuộc vận động, trong đó nhấn mạnh yêu cầu "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức và tự học".

Giáo dục mầm non tiếp tục triển khai thực hiện Ðề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2010, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển mẫu giáo năm tuổi ở những vùng khó khăn,  bảo đảm tất cả trẻ năm tuổi được đi học mẫu giáo, chuẩn bị tốt tiền đề vào lớp 1. Giáo dục phổ thông thực hiện tốt phân ban ở lớp 10, lớp 11; tổ chức đánh giá năm năm thực hiện chương trình, SGK tiểu học, THCS.

Ðổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, tiếp tục thí điểm mô hình trường THPT kỹ thuật ở một số địa phương.

Các địa phương củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ, phổ cập THCS bảo đảm kết quả vững chắc, đẩy mạnh công tác xã hội giáo dục, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Thực hiện công bằng trong giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn, giáo dục khuyết tật.

Ngành giáo dục đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Hai không", nói không với đào tạo không đạt chuẩn (chất lượng) và không đáp ứng nhu cầu xã hội, từng bước tạo sự chuyển động mạnh mẽ của cả hệ thống giáo dục ÐH, CÐ . Giữ ổn định việc thi tuyển ÐH, CÐ như năm học 2006-2007. Rút kinh nghiệm việc ra đề thi trắc nghiệm, việc hướng dẫn thi trắc nghiệm để triển khai tiếp thi trắc nghiệm môn toán.

Chuẩn bị kỹ nội dung, phương pháp giảng dạy và hướng dẫn kiểm tra đánh giá, tiến tới thi trắc nghiệm môn lịch sử, địa lý trong kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ 2008-2009. Tập trung hoàn thành xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên các trường ÐH, CÐ. Tuyển chọn để gửi đào tạo 2.500 tiến sĩ cho giảng viên các trường ÐH, CÐ, trong đó đào tạo ở nước ngoài là 1.000 và ở trong nước là 1.500 người.

* Năm học mới 2007-2008, tỉnh Nam Ðịnh có thêm bảy trường THPT công lập được thành lập tại sáu  huyện gồm: Trần Văn Bảo (Nam Trực), Ðại An (Ý Yên), Quất Lâm (Giao Thủy), Trần Nhân Tông (Nghĩa Hưng), Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường), An Phúc (Hải Hậu). Như vậy, năm học này toàn tỉnh có tổng cộng 884 trường từ giáo dục mầm non đến chuyên nghiệp thu hút hơn 500 nghìn học sinh, sinh viên.

Với sự quan tâm của Nhà nước, cấp ủy đảng, Chính quyền các cấp và nhân dân, năm học 2007-2008, Nam Ðịnh  huy động hơn 47 tỷ đồng đầu tư xây mới gần 900 phòng học, sửa chữa hàng trăm phòng học, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học.  

Trước khi bước vào năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo Nam Ðịnh tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học, ngành học và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy thay sách lớp 11. Ngành tham mưu cho UBND tỉnh tuyển mới được 638 giáo viên và bổ sung kịp thời về các trường, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. 

* Sáng 3-9, tất cả 63 em học sinh của bốn lớp: lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 5 tại Bản Khe Ngài, xã ÐaKrông, huyện ÐaKrông (Quảng Trị) cùng các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh  vui mừng dự Lễ khánh thành và khai giảng năm học mới 2007 - 2008. Ðiểm trường lẻ khu vực Khe Ngài là một trong năm điểm lẻ thuộc Trường tiểu học số 1 xã ÐaKrông (huyện ÐaKrông).

Bản Khe Ngài có 110 hộ dân, với 638 nhân khẩu là người dân tộc Vân Kiều, đời sống kinh tế ở đây gặp rất nhiều khó khăn do địa hình bị cách trở bởi sông, suối, đồi núi hiểm làm ảnh hưởng việc học tập của học sinh.

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các em học sinh người Vân Kiều ở đây, thông qua "Hành trình nối dài truyện cổ tích" trên tạp chí HTV Chuông Gió, điểm trường lẻ khu vực Khe Ngài đã được Công ty Thiên Long cùng một số doanh nghiệp tài trợ 400 triệu đồng xây dựng ba phòng học mới với đầy đủ bàn, ghế, đồ dùng học tập và đồng phục để các em đến trường.

* Tỉnh Cà Mau chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất trường lớp, sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho việc khai giảng năm học mới. Sau bốn năm thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đến đầu năm học mới này, toàn tỉnh hoàn thành việc xây dựng xong và đưa vào sử dụng 1.541/1.641 phòng học; hiện còn lại 100 phòng học được các nhà thầu khẩn trương hoàn thành.

Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành bước đầu 100 phòng học và đưa vào sử dung ngay từ đầu năm học này. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh sửa chữa, nâng cấp hơn 500 phòng học, điểm trường hư hỏng sau năm học vừa qua. Công ty Sách - thiết bị trường học Cà Mau cũng đã nhận về hơn hai triệu bản sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 và nhiều dụng cụ học tập.

 Toàn bộ sách giáo khoa được đưa về các hiệu sách, đại lý, bán đúng giá niêm yết, khắc phục được tình trạng nâng giá, thiếu sách; bảo đảm mỗi học sinh có một bộ sách để học tập. Hàng nghìn bộ bàn ghế cũng được đóng mới bảo đảm kịp thời phục vụ năm học mới.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)