Mũ bảo hiểm: Hàng rào kiểm soát thờ ơ và bất lực!

08/09/2007

(LĐ) - Mũ bảo hiểm giả, nhái nhập lậu tràn lan trên thị trường hiện nay đã phản ánh khá trung thực sự thờ ơ và bị động của hàng rào kiểm soát chất lượng.

Đặc biệt, do không có kế hoạch đón đầu nên chính các DN trong nước đã bỏ lỡ một nguồn thu khổng lồ.

Bị động

Hiện khâu kiểm soát chất lượng MBH sản xuất trong nước và nhập khẩu do Bộ KHCN đảm nhận. Còn khâu kiểm soát mũ nhái, mũ nhập lậu và mũ kém chất lượng do quản lý thị trường đảm nhận, có sự phối hợp của các ngành liên quan. Tuy nhiên, khi Quyết định 35 của Chính phủ ban hành, dường như các cơ quan quản lý nói trên đã khá thờ ơ.

Cho đến nay, khi thị trường đã tràn ngập mũ giả, mũ nhái mà vẫn có nhiều địa phương mới chỉ lên kế hoạch để "sắp" kiểm tra MBH như Đà Nẵng, Lào Cai... Mặc dù Hà Nội và TPHCM, Sóc Trăng, Quảng Ninh đã bắt đầu khởi động các đoàn kiểm tra từ sớm hơn, song số điểm kiểm tra được so với số điểm bán MBH tự phát đang tăng vù vù mỗi ngày thì như muối bỏ bể.

Trong khi lực lượng biên phòng, hải quan không thể chống nổi hàng lậu, các lực lượng quản lý thị trường vẫn không có sự phối hợp lập chốt chặn ở những vị trí xung yếu để ngăn chặn nguồn hàng nhập lậu.

Trong khi các cơ sở sản xuất dép nhựa, đồ nhựa trong nước... cũng chuyển sang làm MBH lậu, bơm một nguồn mũ rởm khổng lồ ra thị trường, thì duy nhất mới có TPHCM phát hiện được một cơ sở làm lậu trong ngày 5.9.

Rõ ràng, các nhà quản lý đã không lường trước và xây dựng kế hoạch kiểm soát MBH, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mà hoàn toàn bị động tìm cách giải quyết hậu quả.

Bỏ lỡ cơ hội

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, hiện cả nước có hơn 20 triệu xe máy. Nếu tính bình quân mỗi xe mua 1,5 MBH, thì cả nước cần vào khoảng 30 triệu chiếc. Mỗi chiếc giá 100-200 nghìn đồng thì các DN sản xuất MBH đã có thể thu được 3.000 - 6.000 tỉ đồng. Đây đúng là cơ hội ngàn vàng cho DN sản xuất MBH trong nước.

Nếu Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia trước khi tham mưu cho Chính phủ ban hành quyết định đã nghiên cứu khảo sát tác động của quyết định trên tới xã hội, dự đoán được những bước phát triển tiếp theo của thị trường và có kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan chuẩn bị trước thì quyết định đã đi vào cuộc sống hiệu quả hơn.

Các DN đã có thể sản xuất đón đầu, giá thành sẽ giảm đi vì khối lượng sản xuất lớn; khoản tiền trên đã không chui vào túi các cơ sở sản xuất nước ngoài hay bọn làm hàng rởm; người dân không mua phải mũ rởm giá cao, rước thêm tai hoạ lơ lửng trên đầu. Hiện tại các DN sản xuất trong nước cũng sản xuất được loại mũ giá rẻ tới 60.000 đồng, mà vẫn đảm bảo chất lượng. Có lẽ đây cũng là bài học mà Uỷ ban ATGTQG cần nghiêm túc nhìn nhận.

Thủ tướng chỉ đạo: Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng

Trước tình trạng hiện nay nhiều loại mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chất lượng vẫn tiêu thụ trên thị trường, giá mũ chưa đi đôi với chất lượng, ngày 5.9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT tăng cường công tác quản lý chất lượng MBH và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các loại MBH đạt chất lượng theo quy định.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH giả, không đạt chất lượng cũng như các hành vi nhập khẩu MBH không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; đồng thời, công bố công khai danh sách các cơ sở kinh doanh MBH không bảo đảm chất lượng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra việc niêm yết và bán đúng giá niêm yết MBH, không để xảy ra tình trạng tuỳ tiện nâng giá làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng.

 

 

Bích Liên

(http://www.laodong.com.vn/)