Để xóa đói giảm nghèo hiệu quả

16/09/2007

Mục tiêu đến năm 2010 còn 15% số hộ nghèo theo chuẩn quốc tế, 50% các xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn

(VOV)_ Trong những năm qua Việt Nam được thế giới đánh giá là quốc gia đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong công tác xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên để phát huy được những thành tích này, thực hiện mục tiêu đến năm 2010 cả nước còn 15% số hộ nghèo, theo chuẩn mới phù hợp với chuẩn quốc tế thì đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa… Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

 

PV: Thưa ông, Việt Nam được thế giới đánh giá là quốc gia đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong công tác xoá đói giảm nghèo. Vậy trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện những biện pháp như thế nào để giữ vững và đẩy nhanh hơn nữa công tác xoá đói giảm nghèo?

 

Ông Phạm Ngọc Tiến: Trong những năm vừa qua Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng về công tác xoá đói giảm nghèo. Để tiếp tục bảo vệ được những thành quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 20 phê duyệt Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010. Chương trình được phê duyệt với mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, củng cố những thành quả về giảm nghèo và tạo cơ hội cho người đã thoát nghèo vươn lên khá giả, hạn chế sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị giữa đồng bằng với miền núi và giữa nhóm hộ giầu và hộ nghèo. Phấn đấu đến năm 2010 cả nước chỉ còn 15% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thế giới, thu nhập nhóm hộ nghèo tăng gần 1,5 lần so với năm 2005 và phấn đấu khoảng 50% các xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển hải đảo cơ bản thoát khỏi tình trạng khó khăn.

 

PV: Tốc độ xoá đói giảm nghèo của nước ta hiện nay có dấu hiệu chững lại một phần là do rất nhiều chương trình xoá đói giảm nghèo của chính phủ, của các nhà tài trợ nước ngoài có tốc độ giải ngân rất chậm. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

 

Ông Phạm Ngọc Tiến: Tốc độ giải ngân chậm là do việc thực hiện ở dưới các địa phương và có những mặt là do cơ chế chính sách của chúng ta chưa thực sự đồng bộ. Ví dụ như chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo mặc dù đã được phê duyệt từ đầu năm, nhưng đến gần đây liên tịch Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính mới ban hành được thông tư số 102 hướng dẫn về cơ chế tài chính thực hiện chương trình này. Để thực hiện tốt được công tác xoá đói giảm nghèo thì cần phải có cơ chế tài chính đồng bộ và sự vào cuộc của tất cả cấp uỷ và chính quyền, các ngành, các địa phương.

 

PV: Một nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ giải ngân chậm là do trình độ quản lý ở xã, địa phương còn kém, nên chăng là chúng ta bỏ một phần kinh phí nào đấy để nâng cao năng lực, trình độ của các cán bộ địa phương?

 

Ông Phạm Ngọc Tiến: Đây là điểm chúng tôi rất tâm huyết. Trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, chúng tôi có một Dự án về cán bộ giảm nghèo các cấp. Trong giai đoạn 2006 -2010 chúng tôi sẽ tập trung hướng về đào tạo các cán bộ cấp xã phường và cấp trưởng thôn cũng như các cán bộ trực tiếp tham gia ở các ban giảm nghèo ở các xã phường, thị trấn.

 

PV: Vậy kinh phí dành cho công tác này trong năm nay là bao nhiêu?

 

Ông Phạm Ngọc Tiến: Khoản hỗ trợ trực tiếp này do ngân sách hàng năm bố trí trong tổng số 43.000 tỷ đồng của chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Tuy nhiên trong năm nay do chương trình được phê duyệt muộn nên chưa đáp ứng được với mục tiêu đặt ra ban đầu khi mà thiết kế chương trình.

 

PV: Xin cám ơn ông!/.

 

Tiến Đức

(http://www.vovnews.vn)