Đã có 4 người chết và mất tích do bão Lekima

05/10/2007

* 80 % nhà cửa ở Kỳ Anh và Quảng Trạch bị tốc mái * Hàng chục tàu thuyền bị vỡ, chìm

TTO - Thống kê sơ bộ của thường trực Ban chỉ đạo PCLB TƯ vào 7h30 sáng nay (4-10)  ban đầu bão số 5 đã làm 4 người dân chết và mất tích. Tỉnh Quảng Ngãi có một học sinh chết do  bị kẹp giữa hai tàu khi kéo tàu lên tránh bão.

Quảng Nam có 1 người chết do ngã thuyền trên sông. Quảng Trị có 1 người chết khi đạp xe qua ngầm. Thái Bình có 1 người mất tích lúc 6h ngày 3-10 khi đang đi thuyền từ chòi canh cao trở về. Người này đã cưỡng chế sơ tán từ ngày 2-10 nhưng đêm lại trốn ra. Tại Quảng Bình có thông tin đưa ra là 1 người mất tích nhưng đã tìm thấy và vẫn sống.

Tỉnh Nghệ An có một người dân của xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) bị thương do tôn bay. Tỉnh này đã có báo cáo thiệt hại sơ bộ 72 tỷ đồng.

Tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), 80% nhà cửa của dân  và các công sở bị tốc mái, hầu hết cột điện, điện thoại bị đổ. Đường giao thông liên xã bị ngập nhiều đoạn. Một tàu 35.000 tấn và 2 xà lan bị tấp vào bờ tại cảng Vũng Áng.

Tại Quảng Bình có một trẻ em ở thôn Thạch Tấn, (Cảnh Hoá- Tuyên Hoá) bị thương do tôn bay. 85% nhà cửa ở huyện Quảng Trạch bị tốc mái. Băng chuyền nhà máy ximăng sông Gianh bị sập  200m.

Tỉnh Quảng Trị bão làm hư hỏng 7 thuyền, 3 chiếc bị vỡ. 12 nhà dân và 5 trụ sở cơ quan bị tốc mái, sạt lở ở bãi tắm Cửa Tùng 270m. Đường Hồ Chí Minh đoạn A Bung- Hồng Thuỷ và A Vao- Pa Lin bị sạt lở tắc đường.

Thừa Thiên- Huế sập 3 nhà dân, tốc mái 91 nhà và 5 phòng học, ngập 85 nhà, 6 xuồng bị trôi. Sạt lở 2.000m3 đất, đường 14 B bị sạt lở, tỉnh lộ 11, 49B ngập sâu 0,5-0,7m. Các phường trong nội thành Huế và các xã dọc triền sông Bồ bị ngập từ 0,3- 0,5m.

Tỉnh Quảng Ngãi có 5 thuyền bị chìm (4 thuyền đã được trục vớt và kéo vào bờ). Một xà lan chở 20 tấn thép thi công cảng Dung Quất bị chìm, 1 cần cẩu hỏng. 1 nhà sập hoàn toàn, 40 nhà bị hư hỏng, tốc mái.

Trong ngày 3-10 các địa phương bị bão ảnh hưởng đã sơ tán được 84.719 người dân.

* Thông tin từ Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, tính đến 6h sáng nay thống kê ban đầu xã Ngư Thuỷ Bắc (Quảng Bình) có 3 thuyền gỗ neo đậu trên bến  bị sóng lớn đánh vỡ, ngập 12 nhà dân. Tại đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo mưa lớn làm ngập cầu Cha Lo làm 11 xe ôtô/ 64 khách quá cảnh bị ùn tắc. Nước sông suối dâng cao làm cô lập 3 bản  Cà Ai, Ba Noóc, Kà Reng của xã Dân Hoá (Minh Hoá).

Lúc 21h5  tàu Hoàng Đạt 126 có16 thuyền viên và tàu Hưng Phát có11 thuyền viên bị sóng lớn đánh mắc cạn  cách cảng La 2 hải lý. Đến 23h50 một số thuyền viên tàu Hoàng Đạt 126 phải rời tàu xuống phao cứu sinh. Đến 4h sáng nay đã phát hiện 7 thuyền viên trôi dạt (2 người bị gãy chân), đồn biên phòng 184 đã đưa đi cấp cứu. Đến sáng nay, tàu Hoàng Đạt 126 đã bị chìm, vẫn còn 9 thuyền viên bám trên cabin, quanh đó còn nhiều người khác. Biên phòng Quảng Bình đã ra ứng cứu.

Trong số 8 tàu bị kẹt lại ở đảo Hòn La, hiện có 3 tàu chưa phát hiện được. Trong đó 2 tàu Hà Tĩnh HT 90126 và 90127 gồm 12 ngư dân đã  dồn lên tàu HT 90126 để vào bờ, một người bị thương. Hai tàu cá Quảng Ngãi QNg 9352 và 94665 và 9 ngư dân được đưa vào bờ (1 người bị thương). Biên phòng đã đưa những người bị thương đi cấp cứu.

Tại khu vực cảng Gianh có 20 phương tiện nghề cá bị sóng đánh chìm…

Sau khi nghe báo cáo ban đầu về thiệt hại tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB TƯ sáng nay, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tỏ ý không hài lòng về công tác thống kê và cứu nạn tiến hành quá chậm.

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn phải tập trung vào nhiệm vụ số một là cứu chữa người bị thương và tìm kiếm người còn mất tích. Đặc biệt là những người bị kẹt trên các tàu thuyền bị chìm. Đồng thời các lực lượng phải làm hết trách nhiệm không để xảy ra tình trạng chết thêm người sau khi bão qua. Chú trọng phòng tránh, hướng dẫn đi lại nơi các bến sông, ngầm, bảo vệ, cứu hộ kịp thời tại những nơi nước ngập, bị chia cắt. Những nơi đầu nguồn sông Gianh và ven các sông miền Trung phải chú trọng theo dõi diến biến lũ, có biện pháp phòng chống, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân. Các bộ Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ GTVT phải có các đoàn công tác vào nơi bị thiệt hại cứu chữa, giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, xử lý nước sạch, khắc phục cầu đường, cứu trợ người dân vùng bão lũ. Với các huyện bị thiệt hại nặng về nhà dân phải tập trung lực lượng, vật liệu để bố trí chỗ ở cho người dân…

TUẤN PHÙNG

(http://www.tuoitre.com.vn/)