Tăng học phí đại học, có tăng chất lượng đào tạo?

18/10/2007

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa soạn thảo xong đề án học phí mới nhưng ngay từ đầu năm học này, nhiều trường đại học ngoài công lập đã tăng học phí mấy lần so với năm trước.

 Không ít trường đại học công lập cũng rậm rịch lên phương án tăng học phí từ 1,5 đến 2 lần mức quy định hiện hành. Những thông tin về học phí mới ở bậc đại học đã và đang trở thành tâm điểm lo âu của nhiều sinh viên và gia đình, nhất là khu vực nông thôn.

Hiện nay, mức học phí chung của đa số các trường đại học công lập là từ 180.000 đến 200.000 đồng/tháng, còn các trường ngoài công lập thì có nhiều mức khác nhau (khoảng từ 300.000 đến 500.000 đồng/tháng). Có thể nói, so với một số nước khác trên thế giới thì mức học phí đại học của nước ta cực kỳ thấp (ở Mỹ, ở Anh, đa số từ 10.000USD đến 15.000USD/năm, trong khi học phí của chúng ta mới ở khoảng 150USD/năm). Với mức đầu tư thấp như vậy khó có điều kiện để tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Hiện tại nguồn kinh phí của các trường đại học dựa vào học phí là chính, mà giá thiết bị phục vụ giảng dạy thì ngày càng tăng vọt.

Tuy nhiên, mặt bằng thu nhập của đại đa số dân cư ở nước ta mới ở mức trung bình và thấp thì không thể đề ra mức học phí quá cao. Một sinh viên từ nông thôn ra thành phố học không chỉ lo học phí mà còn phải đóng góp rất nhiều khoản khác như: tiền xây dựng nhà trường, tiền quỹ lớp, tiền mua tài liệu phục vụ học tập, tiền học thêm ngoại ngữ, tin học, tiền làm luận văn, tiền thầy phụ đạo, hướng dẫn… Đó là chưa kể tiền thuê nhà, ăn ở, chi phí sinh hoạt, xăng xe đi lại, điện thoại liên lạc… Tốn kém như vậy nhưng không phải sinh viên nào học đại học cũng trở thành những cử nhân thực thụ. Nhiều trường đại học chất lượng thấp, thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ cao, điều kiện học tập kém cỏi… sinh viên tốt nghiệp ra trường thiếu năng lực, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Tình trạng này gây nhiều lãng phí cho xã hội.

Công luận đã nhiều lần lên tiếng về việc tăng học phí, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các nhà trường cần tính toán kỹ, lựa chọn phương thức phù hợp để không gây nhiều trở ngại, khó khăn đối với người học. Làm sao để con em thuộc mọi tầng lớp khác nhau đều được học tập. Nên chăng, đã tăng học phí thì miễn giảm các khoản đóng góp khác. Đồng thời, các nhà trường cũng cần bảo đảm điều kiện học tập với các phương tiện kỹ thuật cho sinh viên. Nơi ở của sinh viên cũng cần được nâng cấp khang trang, tiện lợi hơn. Mặt khác, tăng học phí thì phải bảo đảm chất lượng đào tạo sao cho xứng đáng với đồng tiền người học bỏ ra hằng tháng, bảo đảm sinh viên sau khi ra trường có thể dễ dàng tìm được việc làm.

 

 

(http://www.cpv.org.vn/index.html)