Nâng cao tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ doanh nghiệp

18/05/2008

Thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua cho thấy hầu hết những vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng nhất đã được phát hiện đều liên quan đến hoạt động kinh doanh, liên quan đến doanh nghiệp.

(VOV)_Ngày 16/5, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Nâng cao tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ doanh nghiệp”.

 

Tham nhũng ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý nói chung và quản lý kinh tế hiện nay còn những bất cập nhất định. Thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nhưng là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi nên lĩnh vực quản lý kinh tế ở Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế.

 

Phát biểu tại đây, ông Mai Quốc Bình – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: “Một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng những tồn tại, hạn chế đó để thực hiện hành vi tham nhũng. Một số doanh nghiệp luôn khai thác và tìm cách giành lợi thế trong kinh doanh bằng cách tận dụng mối quan hệ của mình và dùng vật chất tiền bạc để hối lộ”.

 

Theo ông Bình, những tồn tại, hạn chế trong quản lý kinh tế hiện nay nếu không được khắc phục kịp thời sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển nhanh và có nguy cơ diễn biến phức tạp, cản trở việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, có tính cạnh tranh, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cả cộng đồng doanh nghiệp.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo còn thảo luận các cơ hội và sự sẵn sàng cùng hành động để xây dựng chuẩn mực trong kinh doanh nhằm giảm tham nhũng; hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân…

 

Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, và một trong những yêu cầu quan trọng nhất là: thúc đẩy tính minh bạch, khả năng dễ dự đoán, tính ổn định và sự công bằng cho tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

 

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khi không tham gia hoạt động hối lộ, tham nhũng thì đồng nghĩa với việc giảm chi phí không cần thiết, giảm những bất chắc, rủi ro về uy tín, giúp cho việc xây dựng nội bộ được tốt hơn.

 

Còn Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Rolf Bergman cho rằng, các tổ chức quốc tế đã đưa ra sáng kiến phát triển kinh doanh “sạch”. Trong công cuộc chống tham nhũng, Chính phủ Việt Nam cần có sự hợp tác sâu hơn, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia./.

(http://www.vovnews.vn)