Chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2008

28/12/2007

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

------------

Số: 88/UBTVQH12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2007

CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NĂM 2008

----------------

Căn cứ quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2008; trên cơ sở ý kiến đề nghị của các cơ quan hữu quan và từ tình hình thực tế, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua chương trình giám sát năm 2008 như sau:

I. VỀ NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1- Xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2008 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật (tại phiên họp tháng 4-2008). Xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp (tại phiên họp tháng 9-2008). Chỉ đạo, tổ chức việc chuẩn bị các báo cáo về Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 để trình Quốc hội tại các kỳ họp thứ ba và thứ tư.

2- Giám sát 3 chuyên đề:

2.1- Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát tại kỳ họp thứ ba).

2.2- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý vấn đề đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát tại kỳ họp thứ tư).

2.3- Việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo (báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát tại kỳ họp thứ tư).

3- Tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn tại một số phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4- Giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân và thực hiện các hoạt động giám sát khác (khi có yêu cầu cần thiết xuất phát từ tình hình thực tế) thuộc nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của pháp luật.

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội giúp chuẩn bị những vấn đề liên quan trong việc thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội:

Uỷ ban kinh tế chủ trì chuẩn bị ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007, việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 (tại phiên họp tháng 4/2008); chủ trì thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 (tại phiên họp tháng 9/2008).

Uỷ ban tài chính, ngân sách chủ trì chuẩn bị ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007; chủ trì thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006 (tại phiên họp tháng 4/2008); chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, phân bổ ngân sách trung ương năm 2009 (tại phiên họp tháng 9/2008). Chủ trì chuẩn bị giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý vấn đề đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Uỷ ban quốc phòng và an ninh chủ trì chuẩn bị giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Uỷ ban tư pháp chủ trì thẩm tra báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa và chống vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng.

Uỷ ban pháp luật chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện những giải pháp, kiến nghị nêu trong báo cáo số 401/UBTVQH11 ngày 6 tháng 10 năm 2005 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp thẩm tra các báo cáo; thực hiện giám sát những nội dung liên quan đến chuyên đề của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực phụ trách.

Ban dân nguyện giúp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện những vấn đề mà người trả lời chất vấn đã hứa xem xét giải quyết và tổng hợp để báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 và tháng 9-2008; tham mưu, phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chủ trì chuẩn bị giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề Việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Văn phòng Quốc hộiBan công tác đại biểu chuẩn bị kế hoạch, các văn bản liên quan để triển khai hoạt động chất vấn tại các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội (dự kiến thực hiện thí điểm tại phiên họp tháng 3/2008). Phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, trước mắt là các quy định về cách thức báo cáo kết quả giám sát, về thực hiện hoạt động chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghiên cứu để tiến tới triển khai tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, về kiến nghị và thực hiện kiến nghị sau giám sát...

2- Sau giám sát, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có nghị quyết hoặc kết luận về những vấn đề được giám sát. Hội đồng, Ủy ban được giao chủ trì giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về nội dung giám sát có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kết luận và kiến nghị. Tiếp tục củng cố, tăng cường bộ máy tham mưu, giúp việc và các điều kiện bảo đảm phục vụ hoạt động giám sát.

Văn phòng Quốc hội phục vụ xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết cho từng tháng, quý trong năm, giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện việc điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các cơ quan; tổ chức phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Nơi nhận:

- UBTVQH;

- TT HĐDT, các UB;

- Các Ban của UBTVQH;

- Lãnh đạo VPQH;

- VPCP, TANDTC, VKSNDTC, MTTQVN;

- Các ĐĐBQH;

- Các Vụ, đơn vị VPQH;

- VP giúp việc các ĐĐBQH;

- Lưu HC, TH.

 

 

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chủ tịch

(đã ký)

Nguyễn Phú Trọng