Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với 2 ngân hàng TMCP

25/07/2014

Ngày 23.7, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng đã làm việc với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Theo báo cáo của Vietcombank, trong giai đoạn 2011 - 2013, Vietcombank đã thực hiện tái cơ cấu hoạt động kinh doanh theo Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2011-2020. Từ giữa năm 2012, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu ngành ngân hàng, dựa trên nền tảng Chiến lược kinh doanh năm 2011 - 2020, Vietcombank đã xây dựng Đề án tái cơ cấu đến năm 2015 với trọng tâm là nâng cao năng lực tài chính, tích cực xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng lộ trình từng bước triển khai áp dụng Basel 2. Từ đầu năm 2013, Vietcombank đã chủ động đề ra kế hoạch tái cơ cấu và triển khai thực hiện theo Đề án đã xây dựng. Định kỳ hàng quý, hàng năm, Vietcombank đã tổng kết, đánh giá tiến độ thực hiện tái cơ cấu, báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Qua đẩy mạnh tăng trưởng cơ cấu và tài sản, trong giai đoạn 2011-2013, Vietcombank đã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tổng tài sản bình quân 12-13%/năm. Bên cạnh đó, thời gian qua, năng lực tài chính của Vietcombank tiếp tục được củng cố thông qua việc tăng mạnh quy mô vốn chủ sở hữu. Cụ thể, đến ngày 30.6.2014, vốn chủ sở hữu của Vietcombank đã đạt gần 45 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai trong toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 12,8% đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước tối thiếu là 9%. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tính đến ngày 31.12.2013 là 2,62% (dưới 3%) và thấp hơn tương đối so với tỷ lệ của giai đoạn 200-2010. Trong 6 tháng của năm 2014, Vietcombank tiếp tục kiểm soát nợ xấu ở mức 3% và thấp hơn tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành...

Theo báo cáo của Techcombank, ngân hàng hiện đang tập trung tìm giải pháp tối ưu trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong giai đoạn năm 2005-2010, tổng tài sản của ngân hàng tăng trưởng mạnh, đạt mức trung bình từ 50-62%/năm. Về vốn chủ sở hữu, cuối năm 2005, mức vốn chủ sở hữu của Techcombank chỉ ở mức hơn 1 nghìn tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2009 vốn chủ sở hữu của Techcombank đã tăng hơn 8 nghìn tỷ đồng, đạt mức trên 9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc phát hành thành công 3 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi vào cuối năm 2010 đã củng cố thêm nguồn vốn cho Techcombank. Do đó, đến cuối năm 2010, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng đã vượt mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, đạt mức 13,11% so với mức 9,6% của cuối năm 2009. Năm 2013, nguồn vốn chủ sở hữu của Techcombank đã đạt mức gần 14 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ an toàn vốn đạt mức 14,03%, cao hơn nhiều so với mức quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến hết năm 2013, tỷ lệ nợ xấu trên thị trường 1 của Techcombank hiện chỉ ở mức 3,65%, giảm mạnh so với mức nợ xấu 5,9% tính đến hết quý III.2013. Techcombank phấn đấu đạt mục tiêu sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% trong năm 2014 và năm 2015.

Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được bước đầu của Vietcombank và Techcombank trong việc thực hiện tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Đoàn giám sát đề nghị Vietcombank và Techcombank cần đánh giá cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu của doanh nghiệp, nhất là về các cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy nhanh việc thực hiện quá trình tái cơ cấu tại mỗi đơn vị. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng yêu cầu 2 ngân hàng đề xuất các giải pháp để tiến trình tái cơ cấu DNNN được thực hiện nhanh và mang lại hiệu quả thực sự cho bản thân các ngân hàng; góp phần đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.

Nguyễn Giang

(http://daibieunhandan.vn)