Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2

23/12/2016

Sau khi kết thúc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 8 điểm tiếp xúc cử tri tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Có khoảng trên 1.300 cử tri tham dự, với 84 lượt phát biểu ý kiến, kiến nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tiếp xúc cử tri tại TP. Đồng Hới

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình tại kỳ họp. Cử tri đồng tình, phấn khởi trước kết quả đạt được tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; cho rằng kỳ họp đã có nhiều đổi mới, đặc biệt trong hoạt động chất vấn đã lựa chọn được những vấn đề cử tri đang bức xúc, dư luận quan tâm. Đồng thời, xác định được đúng trọng tâm, trọng điểm và dành thời gian đưa ra hình thức nâng biển tranh luận làm rõ vấn đề. Các câu hỏi chất vấn của đại biểu sát với tình hình thực tiễn; việc trả lời chất vấn của các Bộ, ngành đã được thực hiện nghiêm túc, khách quan, thẳng thắn, đánh giá được những tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tiếp theo được cử tri và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Cử tri đánh giá cao tinh thần làm việc của chủ tọa cũng như các đại biểu tại kỳ họp.

Tuy nhiên, cử tri bày tỏ băn khoăn về một số vấn đề còn bất cập, hạn chế như vấn đề nợ công, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản và việc còn để xảy ra lãng phí, thất thoát lớn trong đầu tư công. Cử tri mong muốn, Đảng cần có những chủ trương quyết liệt hơn nữa; Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp thiệt thực hơn nhằm điều chỉnh, giải quyết cơ bản những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Cử tri cũng cho rằng việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng, khoáng sản… hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều nơi để xảy ra tình trạng ô nhiễm đất sản xuất và nguồn nước nghiêm trọng. Tệ nạn đào, hút cát sạn và chặt phá rừng vẫn xảy ra tại nhiều địa phương nhưng chưa được ngăn chặn triệt để, gây thất thoát, lãng phí; gây sạt lở giảm tác dụng của rừng phòng hộ lũ lụt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Việc đào tạo đại học và đào tạo nghề ở nước ta chất lượng chưa cao; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra thất nghiệp còn nhiều. Cử tri đề nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ có giải pháp, biện pháp căn cơ để giải quyết cân đối mối quan hệ giữa đào tạo và việc làm; tăng cường phát triển hệ thống các trường đào tạo nghề; chấm dứt hoặc chuyển đổi thành trường đào tạo nghề đối với những cơ sở đào tạo đại học kém chất lượng, hoạt động không hiệu quả.

Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát công tác tuyển dụng, bố trí cán bộ và việc thực hiện tinh giản biên chế của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để công tác này được đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, việc nuôi trồng, sản xuất, thu mua, nhập lậu và lưu hành thực phẩm bấn, kém chất lượng làm ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân. Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ về an toàn thực phẩm, sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về an toàn thực phẩm.

Đoàn đại biểu Quốc hội đã lắng nghe ý kiến, phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri. Đối với những ý kiến, kiến nghị đã có cơ sở giải quyết, đại diện lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban ngành địa phương và đại biểu Quốc hội đã giải trình và trả lời trực tiếp cho cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Đối với những vấn đề mới hoặc chưa giải quyết được thì các đại biểu Quốc hội tiếp thu để chuyến đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Trung ương và đại phương xem xét.

Đặng Mai