Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016

06/03/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, chiều 6/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam về nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Uông Chu Lưu chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc                                      Ảnh: Đình Nam

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước giai đoạn 2011-2016, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh cho biết, Đài truyền hình Việt Nam với vai trò là Đài Truyền hình quốc gia, cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cung ứng các dịch vụ công. Trong những năm vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các đơn vị rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như cơ cấu tổ chức để xây dựng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc: không bỏ sót, không chồng chéo nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức các đơn vị phải tinh gọn, bám sát chức năng nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo nên sự liên kết và phối hợp trong toàn hệ thống theo một quy trình quản lý sản xuất hiện đại, hiệu quả.

Về tổ chức bộ máy, Tổng Giám đốc Đài cho biết, Đài Truyền hình Việt Nam hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định tại Nghị định số 18/2008/NĐ-CP. Đến nay Đài Truyền hình Việt Nam có 45 đơn vị trực thuộc, trong đó 32 đơn vị được quy định trong Nghị định của Chính phủ, 08 đơn vị trực thuộc khác do Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam thành lập theo quy định tại Nghị định, 01 đơn vị trực thuộc thành lập theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 04 doanh nghiệp.

Về thực trạng biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ của Đài Truyền hình Việt Nam, với việc tăng cường công tác quản lý, tiết kiệm sử dụng lao động, trừ những đơn vị mới thành lập, số lượng công chức, viên chức và lao động hợp đồng của Đài đã có xu hướng giảm xuống. Tính đến hết năm 2016, tổng số công chức, viên chức và lao động hợp đồng của Đài Truyền hình Việt Nam là hơn 4 nghìn người. Trong 5 năm qua, chất lượng nguồn nhân lực của Đài đã được nâng lên, thể hiện ở sự gia tăng tỷ lệ số người có trình độ đại học và sau đại học.Cụ thể, đến năm 2016, số lượng lao động trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Đài khoảng 6%, số lượng lao động trình độ đại học chiếm khoảng 75%.

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh báo cáo tại buổi làm việc

Về thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, xây dựng lực lượng lao động tinh gọn, ngay từ đầu năm 2015, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu các đơn vị không đề nghị tăng chỉ tiêu biên chế và hợp đồng lao động, ngay cả trong trường hợp đơn vị còn chỉ tiêu chưa sử dụng thì việc tuyển dụng chỉ được thực hiện sau khi Tổng Giám đốc phê duyệt.Tháng 11/ 2016, Đảng ủy Đài đã có văn bản đặt mục tiêu tinh giản biên chế 11% đến năm 2020.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đài Truyền hình Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Cụ thể, Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị thực hiện cơ chế tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp nhà nước, nhưng tư duy quản lý của một số bộ phận, cá nhân trong Đài vẫn còn theo cơ chế hành chính, chưa có cơ chế cung cấp dịch vụ công gắn với trách nhiệm; việc phát triển kinh doanh dịch vụ còn chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn thu phụ thuộc vào quảng cáo nên không bền vững, thiếu ổn định.

Ngoài ra, chất lượng các chương trình truyền hình của Đài vẫn còn chưa được đồng đều giữa các kênh sóng, chương trình; công tác giám sát, kiểm duyệt nội dung đôi lúc còn chưa được chặt chẽ; nghiệp vụ báo chí của một số phóng viên trẻ còn hạn chế, dẫn đến những sai sót không đáng có.

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá báo cáo của Đài Truyền hình Việt Nam được chuẩn bị công phu, bám sát nội dung đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, một số vấn đề báo cáo nêu ra nhưng không có số liệu cụ thể, chưa có đánh giá nhận xét chi tiết.

Một số thành viên Đoàn giám sát chỉ ra rằng, hiện nay Đài Truyền hình Việt Nam có nguồn nhân lực rất phong phú, bao gồm công chức, viên chức và người lao động theo hợp đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo của Đài chưa nêu rõ số lượng công chức, viên chức, người lao động là bao nhiêu, chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trong trong lực lượng nhân sự của Đài.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, Báo cáo chưa đề cập cụ thể đến vấn đề kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện cải cách bộ máy hành chính của Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 2011- 2016 được thực hiện như thế nào, có vấn đề gì khó khăn trong quá trình thực hiện hay không.

Trao đổi tại buổi làm việc, một số thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị báo cáo của Đài Truyền hình Việt Nam cần làm rõ vấn đề, hiện nay trong Đài còn tồn tại 4 doanh nghiệp, các doanh nghiệp này hoạt động theo Luật doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan, như vậy việc quản lý các doanh nghiệp này của Đài ra sao, có vấn đề gì tồn tại trong quá trình quản lý không; đồng thời báo cáo cần chỉ rõ mối quan hệ giữa Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài truyền hình ở 63 tỉnh thành trên cả nước như thế nào.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam tiếp thu các ý kiến nhận xét của Đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện các nội dung báo cáo gửi Quốc hội theo hướng bổ sung làm rõ các nội dung Đoàn giám sát đề nghị giải trình thêm; trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia và cải cách bộ máy hành chính lên hàng đầu, đưa ra những giải pháp cụ thể để tiếp tục kiện toàn bộ máy của toàn ngành truyền hình một cách hiệu quả nhất.

Hồ Hương

Các bài viết khác