Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm, làm việc tại tỉnh Cà Mau

08/03/2017

Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức nước ta của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào, chiều 8/3, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đã dẫn đầu Đoàn tới thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau. Tham dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu.

Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn công tác thăm Đất Mũi- Cà Mau

Thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn công tác đã thăm vùng ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Đây là phần trên đất liền thuộc địa phận hành chính của các xã: Đất Mũi, Viên An và Đất Mới, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau khoảng 100km và cách TP Hồ Chí Minh gần 400km về phía tây nam. Đây là một hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa và lịch sử; là một phần của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009.

Đoàn công tác cũng đã đến thăm Đất Mũi- nơi có cột mốc quốc gia, là điểm mốc có ý nghĩa thiêng liêng, là điểm tận cùng cực Nam của Tổ quốc. Đây là vùng đất đất giầu truyền thống cách mạng, mỗi người dân khi đặt chân lên mảnh đất linh thiêng của Tổ quốc, thấy tự hào và trách nhiệm giữ vững và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Tiếp đó, Đoàn đã đến Công viên Văn hóa Mũi Cà Mau thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trồng cây lưu niệm tại Công viên Văn hóa Mũi Cà Mau thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

+ Tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Cà Mau, nghe báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội, tình hình biến đổi khí hậu, công tác quản lý các vườn Quốc gia và cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau.

Báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Dương Thanh Bình cho biết, là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, là một trong 4 tỉnh thuộc tứ giác kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ, nằm trong hành lang phát triển phía Nam dự án Tiểu vùng Mekong mở rộng. Diện tích tự nhiên 529.487 ha, bằng 13% diện tích đồng bằng sông Cửu Lông, chiếm 1,58% diện tích cả nước. Địa hình của tỉnh tương đối bằng phẳng, cao trình đất tự nhiên thấp hơn mực nước biển 0,2 – 0,6m; có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km; chịu ảnh hưởng của 2 chế độ triều (biển Đông và biển Tây). Vì vậy, theo đánh giá của các nhà khoa học và kịch bản biến đổi khí hậu, Cà Mau là tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh Cà Mau hiện có 2 Vườn Quốc gia gồm: Vườn Quốc gia Mũi Cà mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đây là 2 trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyền thế giới Mũi Cà Mau. Nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở 2 Vườn Quốc gia đạt hiệu quả khá tốt; hệ sinh thái rừng ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn tín đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất ngập nước.

Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; riêng năm 2016, tốc độ tăng trưởng đạt 5,2%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng ngư – nông – lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Lĩnh vực thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhiều năm luôn dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản ( chủ yếu là con tôm). Năm 2016, diện tích nuôi thủy sản đạt hơn 301.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khoảng gần 278.650 ha, diện tích còn lại nuôi thủy sản nước ngọt. Các loại hình nuôi tôm gồm: nuôi bán thâm canh và thâm canh với năng suất trung bình 5 – 6 tấn/ha/năm; nuôi quảng canh cải biến, năng suất trung bình 550 kg/ha/năm; nuôi tôm sinh thái, năng suất khoảng 300 kg/ha/năm.

Chủ tịch QH Lào Pany Yathotou, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng làm việc với tỉnh Cà Mau

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, Bí thư tỉnh ủy Dương Thanh Bình cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau có 54 đại biểu do nhân dân bầu ra. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được chia làm 9 tổ hoạt động trên địa bàn đơn vị hành chính 9 huyện, thành phố Cà Mau. Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập 4 ban gồm: Pháp chế, Ban Kinh tế- Ngân sách, Ban Văn hóa- Xã hội và Ban Dân tộc, mỗi Ban có 7 thành viên, gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách và 5 ủy viên hoạt động kiêm nhiệm. Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong tổ chức và bảo đảm việc thực thi Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh trên các lĩnh vực: kinh tế, tài nguyên, môi trường, giáo dục, quốc phòng, an ninh… Thực hiện chức năng giám sát theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.

Cũng tại cuộc làm việc, tỉnh ủy Cà Mau đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh trong công tác quản lý các Vườn Quốc gia; việc ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng; kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; kinh nghiệm hoạt động và giải quyết các công việc của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou cám ơn sự đón tiếp trọng thị mà Tỉnh ủy Cà Mau đã dành cho Đoàn; hoan nghênh và chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã đạt được trong thời gian qua, nhất là những thành tích trong việc quản lý các Vườn Quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dựa vào tiềm năng, thế mạnh tỉnh vươn lên từ tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp đã trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế phát triển toàn diện; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Cám ơn những chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Cà Mau trong việc phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là các kinh nghiệm của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Lào cho biết, đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho các tỉnh của Lào; mong rằng thời gian tới Hội đồng nhân dân các địa phương của Lào– Việt Nam sẽ có nhiều cuộc trao đổi kinh nghiệm. Chủ tịch Quốc hội Lào tin tưởng, chuyến thăm lần này của Đoàn sẽ góp phần quan trọng và thiết thực nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào- Việt Nam.

Hoan nghênh và vui mừng trước sự phát triển của tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tin tưởng với với những tình cảm của Chủ tich Quốc hội Lào pany Yahthotou dành cho, tỉnh Cà Mau phát huy hơn nữa các thành tích đã đạt đạt; sẽ phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết, nhất trí để xây dựng tỉnh Cà Mau ngày một giàu đẹp. Về việc trao đổi kinh nghiệm giữa Hội đồng nhân dân các địa phương của Lào và Cà Mau, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tỉnh Cà Mau nghiên cứu và sớm có các đoàn trao đổi, học tập. Đồng thời khẳng định, Quốc hội Việt Nam và các địa phương sẵn sàng hợp tác, chia sẻ các kinh nghiệm để nâng cao hiệu hiệu quả, hiệu lực cơ quan dân cử của Lào.

Tin và ảnh: Quang Khánh

Các bài viết khác