Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng IPU - 137

16/10/2017

Chiều 15/10 giờ địa phương (chiều tối cùng ngày giờ Việt Nam), tại Cung điện Tavrichesky, TP Saint Petersburg, Liên bang Nga, trong khuôn khổ các hoạt động tham dự Đại hội đồng IPU - 137, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng về chủ đề “Thúc đẩy đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại tôn giáo và dân tộc” và có bài phát biểu quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng IPU - 137

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, đói nghèo, chủ nghĩa khủng bố, an ninh phi truyền thống, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo… Ở một số nơi trên trái đất, đạn, bom vẫn nổ, bạo lực gia tăng, các công trình văn hóa bị hủy hoại, niềm tin tôn giáo bị xâm hại, hòa bình, an ninh trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. “Thực tiễn cho thấy, súng đạn, chiến tranh, bạo lực không thể giải quyết các vấn đề xung đột trong thế giới. Chỉ có lòng khoan dung, sự đối thoại chân thành, tôn trọng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo mới có thể đưa lại hòa bình và bình yên cho thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng IPU - 137 và phát biểu của Lãnh đạo nghị viện các nước thành viên tại Phiên thảo luận toàn thể, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, các dân tộc, các tôn giáo chung sống hòa thuận vừa cùng nhau phát triển, vừa cùng nhau xây dựng nền văn hóa chung của dân tộc, vừa gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc riêng về văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng của dân tộc mình. Tinh thần đoàn kết, sự tôn trọng, sự tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau phát triển, 54 dân tộc của Việt Nam đã tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là động lực to lớn để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước phát triển bền vững ngày nay.

Ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, các tôn giáo được khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp. Năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp mới, trong đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nhà nước Việt Nam luôn dành những chính sách hỗ trợ cho các dân tộc ít người để tạo điều kiện cho họ phát triển bình đẳng và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, niềm tin tôn giáo được tôn trọng và được tạo điều kiện để phát triển. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016), đồng thời thường xuyên giám sát hoạt động của Chính phủ về việc thực hiện các chính sách quan trọng nhằm bảo đảm quyền được tham gia hoạt động hợp pháp của tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, dân tộc. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại với các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trên thế giới và đã có nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam.

Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng IPU - 137

Để thúc đẩy đa dạng văn hóa thông qua đối thoại hòa bình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, IPU tiếp tục khuyến khích các nghị viện thành viên tích cực xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho quyền bình đẳng của các dân tộc, các tôn giáo trước pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ vững chắc, phát huy văn hóa dân tộc, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, xử lý hài hòa lợi ích của người dân, của cộng đồng với lợi ích của đất nước trong sự phát triển. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực thi các chính sách của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đối xử công bằng, bình đẳng với mọi thành phần xã hội từ các dân tộc, tôn giáo, các nền văn hóa khác nhau, qua đó sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tích cực rà soát, xóa bỏ các điều luật, các quy định mang tính phân biệt đối xử, bảo đảm sự tham gia của các thành phần xã hội vào đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Khuyến khích các quốc gia xây dựng các tiêu chí đánh giá về hiệu quả chính sách pháp luật đối với các nhóm dân tộc, sắc tộc và các tôn giáo nhằm bảo đảm sự bình đẳng, công bằng cho tất cả mọi người trong xã hội. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, truyền bá sâu rộng tư tưởng khoan dung, tinh thần hợp tác, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần cường trao đổi hợp tác song phương, đa phương giữa các nước, các nghị viện trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, dân tộc; cùng triển khai những dự án hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của những cuộc đối thoại đa văn hóa, đa tôn giáo trên toàn thế giới; nâng cao hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu vì hòa bình và phát triển. IPU tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ chế của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế với các Nghị viện thành viên trong việc thúc đẩy sáng kiến, hành động của các nhà lập pháp vì hòa bình, hợp tác và đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia trên thế giới.

Tin: Phạm Thúy / Ảnh: Trọng Đức