Tọa đàm về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Ảnh: Quang Khánh
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đồng chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang và Khánh Hòa; đại diện 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trên cả nước; một số chuyên gia kinh tế...
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngày 10/10/2017, Chính phủ đã có Tờ trình số 411/TTr-CP trình Quốc hội về dự án Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Về quá trình xây dựng, dự án dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được nghiên cứu, chuẩn bị từ năm 2014, sau khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng các đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Dự án Luật và hồ sơ liên quan hiện đã hoàn thành công tác chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật đã được Ủy ban pháp luật thẩm tra, các Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Hội đồng dân tộc và Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 14 (tháng 9/2017).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Tọa đàm
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự án Luật quy định các chính sách đặc biệt về kinh tế- xã hội, tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức Tòa án nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Về chính sách phát triển kinh tế- xã hội, quy định các cơ chế, chính sách về quy hoạch; thủ tục đầu tư kinh doanh; tiếp cận và sở hữu đất đai; phát triển kết cấu hạ tầng; ưu đãi thuế và đất đai; phát triển ngành du lịch và dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực và các chính sách khác.
Qua so sánh tổng thể các cơ chế, chính sách quy định tại Luật cho thấy, vượt trội so với các quy định áp dụng với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế theo quy định hiện hành. So sánh trên 9 tiêu chí khác nhau, thì hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar. Không ưu đãi dàn trải để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với nhau cũng như giữa các đơn vị này với các mô hình khác.
Dự án Luật cũng quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; Tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và các cơ quan khác của đất nước.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, vì đã có đủ các cơ sở về chính trị, pháp lý và điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, việc xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được “thai nghén” trong thời gian dài, nên phải xây dựng cho được đạo luật này, tránh vuột mất cơ hội. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, Chính phủ cần giải trình rõ tính đặc biệt trên bình diện hành chính và kinh tế của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhằm giúp đại biểu Quốc hội hiểu chính xác hơn về mô hình này. Các địa phương cung cấp thêm thông tin về sự chuẩn bị cho quá trình vận hành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), và Phú Quốc (Kiên Giang).
Tại Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, một số chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang đã trực tiếp thông tin, làm rõ những nội dung của dự án Luật mà các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn. Thông qua Tọa đàm, các đại biểu Quốc hội đã có thêm nhiều thông tin bổ ích để chuẩn bị cho quá trình thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Dự kiến, Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt sẽ được đưa ra trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.