Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Trong quá trình thảo luận, có 15 lượt đại biểu thảo luận và 02 đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Những kết quả đạt được trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới:
Quốc hội ghi nhận các chính sách về bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; nhiều luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác về bình đẳng giới từng bước được hoàn thiện. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, góp phần đưa các quy định của Luật vào cuộc sống, cụ thể là:
- Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm tới công tác hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới; ban hành kịp thời nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới và các quy định về bình đẳng giới trong các luật có liên quan.
- Hoạt động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật được quan tâm hơn; nội dung lồng ghép giới ngày càng cụ thể, khả thi hơn.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, góp phần tạo chuyển biến nhất định trong nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới.
- Tổ chức bộ máy hoạt động về bình đẳng giới đã từng bước được kiện toàn; đội ngũ cán bộ làm công tác này bước đầu được quan tâm tập huấn kỹ năng, trang bị kiến thức, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
- Việc thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực (kinh tế, lao động việc làm, y tế, giáo dục, chính trị...) đã đạt một số kết quả tích cực, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chính trị, văn hóa, thể dục, thể thao. Mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử về giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể cùng với sự chuyển biến về nhận thức; khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực dần được thu hẹp.
2. Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới:
- Nội dung báo cáo còn hạn chế, chưa toàn diện; còn hơn 50% số chỉ tiêu chưa có số liệu hoặc số liệu chưa phù hợp với tiêu chí; tính chính xác của một số số liệu thống kê chưa cao; chưa đánh giá chính xác, đầy đủ, toàn diện kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới như: đánh giá về nguồn nhân lực nữ, vấn đề bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em, việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, việc phá thai ở tuổi vị thành niên, việc mất cân bằng giới tính khi sinh hoặc thống kê bộ chỉ tiêu giới quốc gia còn nhiều hạn chế.
- Việc thực hiện bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, đó là: người lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ hội việc làm tốt, về lựa chọn ngành nghề và vị trí việc làm so với nam giới; còn khoảng cách giới về giáo dục, y tế giữa các khu vực, vùng miền và các nhóm dân tộc; tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị có xu hướng tăng nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em và tình trạng xâm hại tình dục trẻ em còn có những diễn biến phức tạp; việc phụ nữ tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý còn hạn chế; hệ thống Tòa án và trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm quy trình phù hợp cho các đối tượng đặc thù (như: nạn nhân bị bạo hành, trẻ em bị xâm hại...)...
- Công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới còn nhiều khó khăn, hạn chế; một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm; nhận thức và trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; việc bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn ít so với yêu cầu.
- Công tác thanh tra, kiểm tra về bình đẳng giới tại nhiều địa phương còn hình thức, chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
- Sự tham gia, ủng hộ của nam giới đối với các hoạt động nhằm thực hiện bình đẳng giới tuy có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khiêm tốn; trong khi đó, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thì cần phải thay đổi nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cả nam giới và nữ giới.
3. Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện báo cáo và quan tâm thêm các giải pháp về: tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và trong xây dựng pháp luật; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nữ, chăm lo hơn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; bố trí hợp lý ngân sách và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bình đẳng giới.
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Thứ sáu, ngày 10-11-2017, buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), dự án Luật Đo đạc và bản đồ; thảo luận ở tổ về dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và thảo luận ở tổ về dự án Luật này.